Thực hiện theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 44-CTr/TU của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vũng Tàu đã xác định các lĩnh vực kinh tế trọng yếu bao gồm nuôi trồng thủy sản, phát triển cảng biển và du lịch biển chất lượng cao. Qua đó, thành phố không chỉ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế biển Việt Nam mà còn tạo cơ hội việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Các mục tiêu cụ thể của thành phố đến năm 2030 là tối ưu hóa nguồn tài nguyên biển, đẩy mạnh phát triển cảng biển và hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng chống chịu của hạ tầng ven biển đối với biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ xanh trong khai thác tài nguyên biển.
Công trình tạo điểm nhấn quảng trường tại TP Vũng Tàu (Là 1 trong những phương án Thiết kế được đánh giá cao)
Để đạt được các mục tiêu này, Vũng Tàu đã triển khai một số dự án trọng điểm Dự án Công viên Bàu Sen là một trong những dự án đầu tư công quan trọng nhằm phát triển không gian xanh của thành phố; Dự án đường Long Sơn - Cái Mép là một công trình giao thông trọng điểm kết nối các khu vực công nghiệp và cảng biển với trung tâm thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics; Dự án Đường Nguyễn Hữu Cảnh, với tổng chiều dài 1.078 m và mức đầu tư dự kiến 581 tỷ đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các khu du lịch ven biển với các khu dân cư và khu trung tâm thương mại, khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông cho thành phố và tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và du khách; Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân là một trong những dự án chiến lược để cải thiện bộ mặt du lịch của thành phố. Được quy hoạch thành khu vực điểm nhấn với các công trình kiến trúc hiện đại và diện tích mặt bằng lớn, dự án này bao gồm việc xây dựng các công trình tiện ích phục vụ du lịch, cảnh quan ven biển, và khu quảng trường, đây sẽ là không gian công cộng đa năng, phù hợp với mọi lứa tuổi và là điểm đến lý tưởng cho cả cư dân địa phương và du khách; Dự án Cụm công nghiệp Phước Thắng giúp nâng cao chất lượng môi trường sống của cư dân, đồng thời phát triển công nghiệp chế biến thủy sản một cách tập trung và bền vững; Dự án Cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng biển nước sâu trọng điểm của Việt Nam, đang được mở rộng với sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ vận tải biển hiện đại, dự kiến sau khi hoàn thành, cảng sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất của cả nước, với khả năng tiếp nhận các tàu siêu trọng tải và phục vụ cho xuất khẩu thủy sản của cả khu vực miền Nam. Đây cũng là cửa ngõ quan trọng cho các tuyến hàng hải quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển và tăng cường sức cạnh tranh của Vũng Tàu trên thị trường toàn cầu.
Một trong những trụ cột khác trong chiến lược kinh tế biển bền vững của Vũng Tàu là phát triển du lịch biển chất lượng cao. Thành phố đang quy hoạch các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái ven biển tại Bãi Trước, Bãi Sau và Long Sơn. Đây là những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập ổn định và phát triển kinh tế cho địa phương.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, các khu du lịch sẽ được xây dựng theo mô hình phát triển xanh, hạn chế sử dụng các vật liệu có hại cho môi trường và thúc đẩy du lịch sinh thái. Các chương trình bảo vệ rạn san hô, bảo tồn sinh thái ven biển và sử dụng năng lượng tái tạo trong các cơ sở du lịch cũng đang được triển khai.
Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, Vũng Tàu cũng đặc biệt chú trọng tới công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các chương trình đào tạo liên quan đến quản lý tài nguyên biển, công nghệ môi trường và du lịch xanh đã được thành phố đầu tư phát triển. Đây là những bước đi quan trọng để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong dài hạn.
Vũng Tàu đang tiếp tục kêu gọi đầu tư từ các tổ chức quốc tế và hợp tác với các thành phố biển khác để phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống cho cư dân. Thành phố đặt mục tiêu trở thành hình mẫu về phát triển bền vững kinh tế biển tại Việt Nam, với các giải pháp sáng tạo và tiên tiến trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển xanh.
Với các dự án và chiến lược đang được triển khai, Vũng Tàu đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế biển bền vững của Việt Nam. Thông qua việc tối ưu hóa các lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, cùng với sự hỗ trợ từ chính sách và cộng đồng, Vũng Tàu hứa hẹn sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế biển quốc gia. Vũng Tàu sẽ không ngừng phấn đấu để trở thành thành phố biển tiên phong với hệ sinh thái kinh tế xanh và bền vững, đồng thời phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên phong phú. Thành phố mong muốn trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách, nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia./.
Bài: Việt Bách, BBT