Biểu ngữ is temporarily unavailable.
 

Liên kết

Bản sắc Thành phố Vũng Tàu

14/07/2024 00:00

Công an TP. Vũng Tàu bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm thi...

13/07/2024 00:00

Đường dây nóng
Doanh nghiệp: 088 8800 147
Công dân: 088 8801 247
angle-left null Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số, ngành, lĩnh vực”

Chiều ngày 30/8, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2, kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì phiên họp.

Tham dự họp tại điểm cầu Bộ Thông tin và Truyền thông có đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện doanh nghiệp công nghệ số phát triển các nền tảng số.

Tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có sự tham dự của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh (theo Quyết định số 3324/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh).

IMG_1965.JPG

Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Báo cáo chuyên đề về "Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực" của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trên GDP năm 2022 là 14,26% (cao hơn 1,7 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP 2022), trong đó kinh tế số ICT vẫn là trụ cột đóng góp chính với tỷ trọng đóng góp 9,02% GDP và tác động lan tỏa của ICT đóng góp vào các ngành, các lĩnh vực khác là 5,24%.

Trong hoạt động kinh tế số ICT, hoạt động sản xuất phần cứng, thiết bị điện tử, quang học đang có đóng góp nhiều nhất hiện nay với 58,58% tổng giá trị kinh tế số ICT; viễn thông là hoạt động thứ 2 ghi nhận mức đóng góp cao trong kinh tế số ICT, tiếp đến là hoạt động bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm. Việt Nam được đánh giá là điểm hấp dẫn của hoạt động gia công phần mềm khi xếp thứ 29 thế giới về kỹ năng lập trình, thuộc nhóm top 10 Bảng xếp hạng các quốc gia phát triển phần mềm tốt nhất thế giới.

Trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế khác (ngoài ICT): Nhóm các hoạt động kinh tế có mức độ lan tỏa của ICT nhiều nhất là: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (đóng góp khoảng 19% quy mô kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (đóng góp khoảng 16% quy mô kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực); Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc (đóng góp khoảng 14% quy mô kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực); Giáo dục và đào tạo (đóng góp khoảng 13% quy mô kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực).

Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã tham luận, trao đổi về các vấn đề như: giải pháp nâng cao tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh để thúc đẩy chuyển đổi số tại các địa phương; câu chuyện chuyển đổi số cảng biển thúc đẩy kinh tế số; phát triển cửa khẩu số góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu của địa phương; triển khai giải pháp chiếu sáng thông minh vào chuyển đổi số nông nghiệp; giải pháp chuyển đổi số ngành dệt may đóng góp cho kinh tế số…

Tại tỉnh bà Rịa-Vũng Tàu, căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết, xác định rõ mục tiêu, giải pháp, đề ra danh mục công việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để thúc đẩy chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính dựa trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, về phát triển kinh tế số, Tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Cụ thể, Tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; Tỷ lệ hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử (có gian hàng) đạt 70,3%; triển khai giải pháp thống kê lượng phòng khách sạn còn trống, tiến tới cung cấp giá theo thời gian thực trên sàn thương mại du lịch tỉnh; triển khai, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của địa phương: du lịch, thương mại, nông nghiệp,...trên các sàn thương mại điện tử công thương, du lịch, VOSO, POSTMART; đưa vào triển khai thí điểm cài đặt ứng dụng Sổ tay theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt đối với một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trồng trọt có đủ điều kiện như vận hành thử nghiệm ứng dụng Face Farm cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trồng trọt; đã ứng dụng công nghệ IoT vào nuôi trồng thủy sản, trong đó có 18 cơ sở nuôi tôm, 03 hộ nuôi cá lồng bè…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ số, kinh tế số có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sự cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP nền kinh tế, năm 2030, đạt 30% GDP nền kinh tế. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo công nghệ số, đầu tư hạ tầng số, thu hút nhân tài số, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế số, tìm ra không gian phát triển mới trong từng ngành, lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.

Bộ trưởng đề nghị các ngành, địa phương tập trung thực hiện các nội dung, tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế số, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; quan tâm xây dựng, kết nối dữ liệu dùng chung; phát triển các nền tảng số; kết nối hệ sinh thái trong chuyển đổi số, phát huy vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, "làm đến tận cùng" khi thực hiện kinh tế số.

Dịp này, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Nguyễn Hằng