Những ngày qua khi dư luận chưa hết bất ngờ với các vụ việc sữa giả, thực phẩm chức năng giả số lượng lớn bị phanh phui, thì vấn đề an toàn thực phẩm lại nóng lên qua những nghi vấn về nguồn gốc và chất lượng an toàn thực phẩm của món Lòng se điếu, một món ăn khá được ưa chuộng với giá thành không hề rẻ. Qua đó, chúng ta thấy bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của các ngành chức năng và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại thành phố Vũng Tàu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, người sản xuất, người tiêu dùng về công tác đảm bảo VSATTP được nâng lên. Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm thành phố Vũng Tàu đã triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, kịp thời đề xuất với UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt vào các dịp cao điểm về ATTP nhằm truyền thông sâu rộng đến các các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong việc thực thi pháp luật về ATTP; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Thực phẩm được bày bán tại chợ Bến Đình, thành phố Vũng Tàu
Hưởng ứng tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (từ 15/04 – 15/05/2025), thành phố Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND 17 phường xã tập trung thực hiện các hoạt động: Tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật, kiến thức ATTP để nâng cao nhận thức nhận thức cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, giám sát hậu kiểm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn…
Cụ thể, trong Tháng 4 năm 2025 vừa qua, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu không xảy ra tình hình ngộ độc thực phẩm. Thành phố thường xuyên tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kết quả đã kiểm tra 135 cơ sở, không có cơ sở bị xử phạt; lũy kế đã kiểm tra 361 cơ sở, xử phạt 02 cơ sở với số tiền 4.000.000 đồng; hướng dẫn 30 hồ sơ, lũy kế là 80 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện kiểm tra 18 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; lũy kế là 62 cơ sở, xử phạt hành chính 01 cơ sở với số tiền 2.000.000 đồng; hướng dẫn 25 hồ sơ, lũy kế là 65 hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động về hành nghề y, dược, y học cổ truyền tư nhân. Tham gia đoàn đánh giá “thực hành tốt nhà thuốc”- GPP do Sở Y tế tỉnh chủ trì; tổng số cơ sở được đánh giá 08 cơ sở, đạt 100%.
Hằng năm, các cơ quan, đơn vị có liên quan của thành phố Vũng Tàu đã tăng cường thanh kiểm tra, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, giảm tối đa số ca ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đồng thời, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP củng cố niềm tin của người dân.
Theo khảo sát, hiện nay, với thời tiết nắng nóng, tại các chợ trên địa bàn thành phố Vũng Tàu như chợ Vũng Tàu, chợ Bến Đình, chợ Rạch Dừa, chợ Thắng Nhất… là những chợ đang bày bán nhiều thực phẩm tươi sống của thành phố. Đa số các Tiểu thương ở đây đã thực hiện nghiêm các quy chế về đảm bảo VSATTP. Tuy nhiên vẫn còn số ít trong đó những Tiểu thương bán đồ ăn sẵn không có gì che đậy như các loại thịt, cá, tôm, sau khi đã mổ ra để phơi nắng ngoài chợ, có những thực phẩm bị ruồi nhặng bâu cũng là trung gian lây truyền nhiều mầm bệnh, vi sinh vật từ nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh ATTP sẽ gây ra những bệnh truyền nhiễm như bệnh tiêu chảy, thương hàn, tả và một số bệnh về giun sán...Các Ban quản lý chợ cũng đã thường xuyên nhắc nhở và tuyên truyền cho các Tiểu thương về những biện pháp phòng tránh đảm bảo vệ sinh an toàn, nhất là trong mùa nắng nóng để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Có thể thấy rằng, an toàn thực phẩm là trách nhiệm không chỉ riêng ai. Trong thời gian tới, cần nâng cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP nhằm củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường thực phẩm an toàn trong nước, xuất khẩu. Đảm bảo ATVSTP phải được xem là việc làm thường xuyên. Để đạt kết quả bền vững, cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền, ngành chức năng; tăng cường truyền thông để nâng cao ý thức của mỗi người dân khi sử dụng chế biến thực phẩm, đồng thời phát huy sức mạnh của truyền thông nhằm xóa bỏ cơ sở chế biến tiêu thụ thực phẩm không an toàn cũng là đảm bảo cho lợi ích, sức khoẻ của bản thân, gia đình và xã hội./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT