angle-left null Giữ gìn và phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”

Tôn sư trọng đạo là truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời xưa đến nay. Truyền thống ấy thể hiện rõ nét nhất trong ngày 20/11 hằng năm - là ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam. Chúng ta đang sống trong những ngày của Tháng 11 năm 2024 – Tháng tri ân các Thầy, Cô giáo và những người làm công tác giáo dục, là dịp để các thế hệ Thầy - Trò cùng nhau ôn lại những tháng ngày công tác, học tập mang đầy kỷ niệm của chặng đường đã đi qua để tiếp thêm cảm hứng, niềm tin vững bước hướng tới tương lai, là dịp để toàn xã hội tri ân công lao to lớn của các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp giáo dục.

Ở thời kỳ nào cũng vậy, Người Thầy luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo. Ngoài việc có chuyên môn giỏi thì Người Thầy phải có đạo đức, lối sống mẫu mực, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái, nghĩa tình, trọng đạo lý, được mọi người kính trọng. Vì lẽ đó mà người Việt luôn nhắc nhở nhau phải “Tôn sư trọng đạo”, phải biết yêu kính Thầy, nghe lời Thầy dạy dỗ. Trong xã hội học tập và mọi người được học tập suốt đời như hiện nay thì vai trò của người Thầy lại càng quan trọng. Vị trí người Thầy không ngừng được nâng lên, ơn nghĩa đối với người Thầy vẫn là một trong những đạo lý được coi trọng.

Một tiết học ngoại khoá của các em học sinh Trường Tiểu học Phước An TP. Vũng Tàu

Những năm qua, cùng với các địa phương khác trong cả nước, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Vũng Tàu tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những người “lái đò” là thầy cô giáo luôn đổi mới tư duy, học hỏi, trau rồi kỹ năng, kiến thức giáo dục hiện đại để thích ứng nhanh với thời kỳ mới. Thầy cô giáo đã không ngại khó để thích ứng với cách dạy năng động, sáng tạo để đáp ứng với yêu cầu mới. Những năm qua, ngành giáo dục Vũng Tàu tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; giữa nhà trường và địa phương và các tổ chức ngoài nhà trường nhằm tổ chức tốt các hoạt động giáo dục có chất lượng, hiệu quả. Các thầy cô giáo tại thành phố Vũng Tàu đã và đang không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy và quản lý, từng bước nâng cao hiệu quả trong hoạt động giáo dục. Hệ thống trường học tại thành phố Vũng Tàu được kiên cố hóa, xanh, sạch, đẹp.

Năm học 2024-2025 này toàn thành phố Vũng Tàu có 29 trường Mầm non công lập và 33 trường tư thục 115 nhóm lớp độc lập tư thục; Cấp Tiểu học: có 29 trường Tiểu học (27 trường công lập và 02 trường ngoài công lập). Cấp THCS: hiện có 17 trường THCS công lập. Các thầy cô giáo tại thành phố Vũng Tàu là những “kỹ sư tâm hồn” trong công việc “đưa đò” của mình để mỗi lượt khách qua sông đều tự tin, vững bước trên đường đời với tri thức và đạo đức đã được truyền thụ. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp để mỗi thầy cô giáo, những người làm công tác giáo dục và đào tạo tự soi rọi mình, thấy rõ hơn nữa vị trí, nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của mình, tiếp tục rèn luyện và hoàn thiện bản thân để luôn là những tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo.

Có thể thấy rằng, thầy cô là những người đã dạy chúng ta những nét chữ đầu tiên, đã đưa chúng ta đến bến bờ của tri thức. Tất cả những gì thầy cô làm là chỉ mong học sinh của mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn. Tình yêu thương mà mỗi thầy cô dành cho những đứa học trò yêu quý của mình cũng giống như tình cảm cha mẹ dành cho chúng ta vậy. Chẳng vậy mà người ta vẫn thường hay nói thầy cô là những người cha, người mẹ thứ hai. Thầy cô an ủi và là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với chúng ta mỗi lần chúng ta thất bại, vấp ngã hay là niềm hạnh phúc được nhân đôi những khi thành công.

Em Hoàng Văn Khánh – học sinh khối lớp 9 Trường THCS Nguyễn An Ninh thành phố Vũng Tàu tâm sự: Với chúng em, công lao của thầy cô giáo là to lớn biết nhường nào. Mà có lẽ là cả cuộc đời này, chúng em cũng không thể nào đền đáp được hết. Chính các thầy cô là người lái đò đưa những thế hệ học trò cập bến tương lai. Cứ mỗi lần đến ngày 20/11, học sinh chúng em đã và đang nỗ lực thi đua bông hoa điểm 10 để dành tặng cho thầy cô. Em biết không có gì có thể bù đắp nổi công lao khó nhọc của một người thầy. Nhưng hãy cho chúng em bày tỏ một phần nào lòng biết ơn và lòng kính trọng sâu sắc nhất với các thầy cô bằng những lời chúc vô cùng ý nghĩa, những bông hoa tươi thắm, những kết quả học tập tốt nhất để tặng các thầy cô.

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” được giữ gìn, phát huy đã tạo nên đạo đức quý báu góp phần bồi đắp nên bản sắc văn hóa cho dân tộc Việt Nam. Thể hiện thái độ tôn kính, biết ơn thầy cô giáo, những người đã dạy dỗ mình; coi trọng việc học vấn, đạo lý và những điều học tập được qua thầy cô giáo. Truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà người thầy đã dạy mình.

Ngày 20/11/2024 đang tới gần, xin trân trọng gửi tới các Thầy, Cô giáo – những Người lái đò tận tụy, những người làm công tác giáo dục tại thành phố Vũng Tàu những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm nhất. Hướng về các Thầy, các Cô với tấm lòng tri ân và biết ơn vô hạn, những lớp học trò hôm qua và những học trò hôm nay đã, đang và sẽ luôn gìn giữ và phát huy đạo lý: Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo./.

                                                                                                   Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT