Có thể thấy rằng, phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường. Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, rác thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi. Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải. Và ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân có vai trò quan trọng trong việc phân loại rác thải tại nguồn.
Việc phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến. Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm. Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường. Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Các địa phương tại thành phố Vũng Tàu tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn
Thực tế ở một số địa phương trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, người dân luôn có thói quen vứt bỏ rác thải bừa bãi ra môi trường xung quanh như: kênh, hồ, đường ngõ hay bất kỳ một chỗ đất trống nào đó... làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường do rác ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân tại khu vực gây nên ô nhiễm nguồn nước, không khí, tạo điều kiện cho vi khuẩn và các loại bệnh tật phát triển có thể trở thành nguồn phát sinh dịch bệnh, tác động nghiêm trọng tới môi trường, gây mất mỹ quan và không tận dụng được các nguyên liệu có thể tái sinh.
Phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Đây còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố Vũng Tàu đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về môi trường năm 2024, trong đó tập trung triển khai các giải pháp tổng hợp quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; rà soát các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trên địa bàn làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách di dời; xử lý ô nhiễm môi trường hồ Bàu Sen và tuyến thoát nước chính của thành phố. Thu 144.029.750 đồng phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp và 1.927.249.225 đồng giá xử lý chất thải sinh hoạt. Đã thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ môi trường 08 cơ sở, xử phạt 04 trương hợp, với số tiền 140.000.000 đồng (tình hình vi phạm pháp luật về môi trường bằng so với cùng kỳ năm 2023); chuyển lên UBND tỉnh xử phạt 01 trường hợp, với số tiền 124.000.000 đồng.
Ý thức, trách nhiệm của con người là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác – bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người. Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được dễ dàng hơn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.
Hãy bắt đầu thực hiện việc phân loại rác từ việc tại mỗi hộ gia đình đều phải có các loại túi đựng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế riêng biệt. Từ đó các công tác thu gom vận chuyển cũng phân loại ngay để xử lý. Khi đó, rác hữu cơ thì tái sản xuất thành phân bón, còn rác vô cơ sản xuất thành hạt nhựa hoặc có thể đốt để thu hồi nhiệt lượng…
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền – Chi hội trưởng, chi hội phụ nữ khu phố 4, phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu chia sẻ: Rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Việc xử lý rác thải là một vấn đề khách quan và cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nó làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng trở thành một vấn đề vô cùng nghiêm trọng không chỉ bởi người dân và một số cơ sở thường xuyên xả các loại nước thải ra môi trường mà còn là do rác thải gây ô nhiễm nguồn nước gây ra.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì: Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý cần được phân loại ngay tại hộ gia đình. Đối với rác hữu cơ dễ phân hủy là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: các loại thức ăn thừa, hư hỏng (rau, cá chết...), vỏ trái cây,... Còn đối với rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại đó là rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy, các tông, kim loại (khung sắt, máy tàu hỏng,...), các loại nhựa.... Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ. Việc thu gom rác cũng cần phải có phương pháp thì mới mang lại hiệu quả. Đối với việc thu gom rác hữu cơ dễ phân hủy: Thu gom riêng vào vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân compost (tại gia đình hoặc đưa đến nhà máy xử lý chế biến tập trung thành phân compost).
Thiết nghĩ, việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Nếu các gia đình và mỗi người dân luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn. Mỗi người dân thành phố Vũng Tàu hãy hành động vì một tương lai trong lành hơn và tất cả là vì một tương lai không còn ô nhiễm./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT