DI TÍCH – LỄ HỘI – LỊCH SỬ - VĂN HÓA – TÂM LINH – DANH THẮNG
I. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐÌNH THẮNG TAM
Là một quần thể bao gồm Đình Thần Thắng Tam, Miếu Bà Ngũ Hành và Lăng Cá Ông. Khu di tích Đình Thắng Tam ẩn chứa những giá trị văn hóa quý báu của cư dân miền biển Vũng Tàu, được xây dựng từ đời vua Minh Mạng thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng ở Vũng Tàu. Trong Lăng hiện thờ 180 bộ xương cá Ông Nam Hải (cá Voi), bộ cốt lớn nhất dài khoảng 18m.
Giờ mở cửa: 07:00 - 18:00
Không phí vào cửa.
Số 77A Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam.
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2023
Là lễ hội thường niên (diễn ra trong 3 ngày 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch) của cư dân miền biển nhằm cầu mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm, cá.
Chương trình lễ hội gồm: Nghinh Ông trên biển, rước Ông về Đình, Lễ cúng cầu Ngư, giỗ tiền biển, Lễ thỉnh sắc thần, cúng ông Nam Hải và các chương trình hội phong phú.
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành
Lễ hội được tổ chức long trọng từ ngày 16, 17, 18 tháng 10 âm lịch.
II. MIẾU HÒN BÀ
Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ, nằm giữa biển nước xanh bao la. Vào những ngày thủy triều xuống du khách có thể men theo con đường độc đáo rẽ đôi biển dẫn lên đảo. Trên đảo có ngôi miếu nhỏ gọi là Miếu Bà, là nơi thờ cúng Bà Thủy Long Thần Nữ với mong muốn bà che chở cho những người đánh cá trên biển.
Lễ cúng: Ngày 15 tháng 01, tháng 4, tháng 7, tháng 10 âm lịch hàng năm.
Lễ cúng cầu an: Ngày 17, 18, 19 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Tại Hòn Bà cách mũi Nghinh Phong 200m, Hạ Long, phường 2.
Số điện thoại: 0913 840699
III. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA NHÀ LỚN LONG SƠN
Là một công trình kiến trúc cổ với những tông màu hiếm thấy. Đến đây, du khách sẽ gặp những nét đẹp văn hóa của đạo Ông Trần, người nông dân đi chân đất, mặc bộ bà ba đen, tóc búi củ tỏi, cảm giác rất thân thuộc. Đặc biệt, du khách được thưởng thức các món ăn mang nét đặc trưng của Long Sơn và có thể nghỉ qua đêm tại dãy nhà cổ bằng gỗ.
Giờ mở cửa: 07:00 - 18:00
Không phí vào cửa.
Nhà Lớn Long Sơn, thôn 5, xã Long Sơn.
Lễ hội Trùng Cửu - Nhà Lớn Long Sơn
Là lễ cầu an, cầu cho nhân dân mạnh khoẻ, an lành, hạnh phúc.
Lễ hội diễn ra vào tối ngày 08 và kết thúc vào ngày 09 tháng 9 âm lịch hàng năm.
Lễ giỗ Ông Trần
Là dịp để những người theo đạo Ông Trần và cộng đồng cư dân Long Sơn thêm gắn kết; nhắc nhở con cháu kính nhớ về ông bà, tổ tiên. Lễ hội diễn ra vào ngày 20 tháng 02 âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân các tỉnh, thành đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
IV. ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN HƯNG ĐẠO
Đức Thánh Trần là một hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh dân gian của người Việt, đó là một minh chứng tiêu biểu về mối liên hệ giữa các yếu tố lịch sử và yếu tố dân gian trong các hiện tượng văn hóa của Việt Nam. Ông đã trở thành một vị Thánh trong tâm thức người dân Việt.
Lễ Giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Số 68 Hạ Long, phường 2.
V. LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; là ngày hội chung của toàn dân. Hàng năm cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch), người dân đã hội tụ tại Đền thờ Hùng Vương để tham gia lễ hội.
Chương trình lễ hội gồm phần nghi thức dâng lễ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phần hội là các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của thành phố biển diễn ra phong phú và hấp dẫn.
Số 12 Bạch Đằng, phường 5.
VI. ĐÀI TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ
Nằm giữa vòng xoay trung tâm thành phố Vũng Tàu là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ uy nghiêm với dòng chữ “Tổ quốc ghi công”. Tượng đài là biểu tượng của sức mạnh, ý chí quyết thắng, tinh thần vươn lên vượt qua mọi gian khổ của bao lớp người đi trước.
Vòng xoay giao lộ 3/2 và Lê Hồng Phong, phường Thắng Tam.
(Hình E11)
VII. ĐỀN THỜ LIỆT SĨ THÀNH PHỐ VŨNG TÀU
Đền thờ liệt sĩ là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh tiêu biểu của thành phố Vũng Tàu. Đây là một công trình thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công lao to lớn đến các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước.
Khu Đồi Cát, phường Thắng Tam.
VIII. DI TÍCH CÁCH MẠNG NHÀ MÁ TÁM NHUNG
Trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình Má Tám Nhung đã che chở cho hàng trăm cán bộ hoạt động cách mạng, không ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận hi sinh cả tính mạng để bảo vệ cán bộ. Căn nhà của má Tám Nhung được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Giờ mở cửa: 07:30 - 17:30. Không phí vào cửa.
Số 01 Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì.
IX. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA BẠCH DINH
Bạch Dinh là một dinh thự kiểu Pháp được xây dựng vào năm 1898, nằm giữa rừng cây xanh tươi và nhìn thẳng ra biển. Bạch Dinh có vị thế lưng tựa núi, mặt hướng biển nên khung cảnh vô cùng lãng mạn, nên thơ. Nơi đây từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Hoàng đế Bảo Đại. Đây cũng là một địa điểm chụp hình tuyệt đẹp. Số 08 - 12 Trần Phú, phường 1.
Giờ mở cửa: 07:00 - 18:00; Giá vé: 15.000 đồng.
X. DI TÍCH LỊCH SỬ TRẬN ĐỊA PHÁO NÚI LỚN
Trận địa Pháo núi lớn Vũng Tàu do Pháp xây dựng năm 1895 được bố trí liên tiếp từ Tây - Bắc sang Đông - Nam Núi Lớn và Núi Nhỏ. Hệ thống trận địa pháo cổ gồm 23 khẩu trọng pháo, phân chia thành ba cụm: Trận địa pháo Núi Lớn, Trận địa pháo Tao Phùng (Núi Nhỏ) và Trận địa pháo Cầu Đá.
Không phí vào cửa.
Hẻm số 444 Trần Phú, phường 5.
XI. DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG NHÀ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG TP VŨNG TÀU
Nhà truyền thống cách mạng TP.Vũng Tàu được xây dựng từ năm 1908-1913 với diện tích đất rộng 6.580m2. Nhà được xây dựng theo kiến trúc công sở thời Pháp thuộc, vốn là văn phòng chỉ huy quân sự khu vực Vũng Tàu từ thập niên đầu của thế kỷ 18 đến khi Nhật đảo chính Pháp.
Hiện nay, bên trong hai tầng nhà truyền thống được sử dụng làm nơi trưng bày, triển lãm, tổ chức hội họp. Phía tầng lầu là phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử, hình ảnh lãnh đạo của thành phố qua các thời kỳ và nhiều những hiện vật khác...
XII. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA DANH THẮNG THÍCH CA PHẬT ĐÀI
Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc Phật giáo lớn, một điểm tham quan du lịch và tín ngưỡng nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu. Vẻ đẹp của ngôi chùa chính là sự kết hợp giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên. Toàn bộ khuôn viên như một vầng trăng khuyết chia thành ba cấp theo hình tháp, cao dần từ 3m đến 29m so với mực nước biển. Có rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ trong đó nổi bật nhất là tượng Kim Phật Tổ cao hơn 10m, bên trong có 16 viên xá lợi của Đức Phật.
Số 610 Trần Phú, phường 5.
XIII. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CHÙA LINH SƠN (LINH SƠN CỔ TỰ)
Linh Sơn Cổ Tự là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của thành phố. Đến tham quan Vũng Tàu, bạn nên đến Linh Sơn Cổ Tự để thưởng lãm cảnh vật yên tĩnh đến kỳ lạ của nơi đây và cảm nhận sự linh thiêng màu nhiệm của ngôi chùa cổ này mang lại.
Số 104 Hoàng Hoa Thám, phường 2.
XIV. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, KIẾN TRÚC - NGHỆ THUẬT NIẾT BÀN TỊNH XÁ
Thường được gọi là chùa Phật nằm, được xây dựng trên sườn núi Nhỏ, hướng ra biển. Niết Bàn tịnh xá là điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến lễ bái, cúng Phật và tham quan cảnh đẹp của Chùa.
Số 60/7 Hạ Long, phường 2.
XV. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CHÙA PHƯỚC LÂM (PHƯỚC LÂM TỰ)
Là một trong những ngôi chùa cổ ở thành phố Vũng Tàu, được xây dựng cách đây khoảng 200 năm, hiện nay lưu giữ khá nhiều tượng phật, tượng quan âm có giá trị như pho tượng Quan Âm Nam Hải, Phật nhập Niết Bàn, tượng Chuẩn Đà bằng gỗ, Đại hồng chung bằng đồng,… và đặc biệt là pho tượng cổ Visnu bằng đá - vị thần bảo tồn vũ trụ có từ thế kỷ VII rất quý hiếm.
Số 65 Nguyễn Bảo, phường Thắng Nhì.
XVI. THIỀN VIỆN CHƠN KHÔNG
Thiền viện Chơn Không là ngôi chùa nằm ở độ cao khoảng 80m trên Núi Lớn, đây là ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc Tông. Điểm đặc biệt nhất của Thiền viện Chơn Không chính là bức tượng Phật khổng lồ màu vàng được điêu khắc vô cùng tinh xảo và mang vẻ uy nghiêm của đức Phật. Bức tượng được khánh thành trong năm 2021, thu hút rất nhiều Phật tử cũng như khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng. Từ những con đường xung quanh núi cũng có thể nhìn thấy bức tượng to lớn và đặc biệt này.
Số 36/11 Vi Ba, phường Thắng Nhì.
XVII. TƯỢNG CHÚA KITO VUA
Tượng Chúa Kito Vua là một tác phẩm nghệ thuật lớn, kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ trên đỉnh núi Nhỏ với kiến trúc nghệ thuật đương đại mang đậm tính dân tộc và tôn giáo. Tượng Chúa Kito Vua là một bức tượng Chúa Giêsu được đặt trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu. Tượng đã được xác lập là "Tượng Chúa Giêsu lớn nhất khu vực châu Á" vào năm 2012. Tượng có chiều cao 32m và chiều dài hai cánh tay là 18,4m; đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc, trong lòng tượng có thể chứa được 100 người, từ đôi vai tượng du khách có thể ngắm được toàn cảnh biển Vũng Tàu.
Giờ mở cửa: 07:00 - 17:00
Số 02 Hạ Long, phường 2.
XVIII. NHÀ THỜ GIÁO XỨ VŨNG TÀU
Còn được gọi là "Nhà Thờ Lớn" vì đây là ngôi Thánh Đường kiên cố đầu tiên do chánh quyền Pháp xây dựng tại Cap.Saint Jacques (Vũng Tàu). Giáo xứ Cap.Saint Jacques được thành lập vào năm 1889 và lúc đó chỉ là một ngôi Nhà Thờ nhỏ bằng gỗ... Ngày nay, nhà thờ không chỉ là nơi cầu nguyện của những người theo đạo thiên chúa mà còn là điểm tham quan, chụp hình lý tưởng của du khách khi đến Vũng Tàu.
Số 06 Thống Nhất, phường 1.
XIX. LINH ĐỊA MẸ THIÊN CHÚA ( ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ BÃI DÂU)
Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu là một tổ hợp công trình đền thánh và tượng đài Đức Mẹ Maria, tọa lạc trên sườn núi Lớn. Nơi đây đã trở thành một nơi tham quan thắng cảnh thiên nhiên, nghỉ ngơi an dưỡng và cầu nguyện của du khách trong và ngoài nước. Tượng đài Đức Mẹ với độ cao khoảng 28m hướng ra biển.
Số 140A Trần Phú, phường 5.