I. Vị trí địa lý - điều kiện tự nhiên của thành phố Vũng Tàu
Thành phố Vũng Tàu nằm ở phía Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Có 4 mặt giáp biển và sông rạch; Phía Đông và phía Nam giáp Biển Đông; Phía Tây giáp Vịnh Gành Rái; Phía Bắc giáp thành phố Bà Rịa, Thị xã Phú Mỹ (Trước đây là huyện Tân Thành) và huyện Long Điền, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đi theo hướng cao tốc Long Thành – Dầu Giây khoảng 100km và cách thành phố Biên Hoà 95km. Là cửa ngõ đường biển của miền Đông, Sài Gòn - Gia Định xưa - thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Vũng Tàu có ưu thế lớn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, đặc biệt là hệ thống cảng biển dày đặc là lợi thế ít nơi nào có được.
Thành phố Vũng Tàu có diện tích đất tự nhiên là 14.442 ha; Có 17 đơn vị hành chính cơ sở: 16 phường và 1 xã. Dân số thành phố tính đến năm 2021 trên 420 ngàn người.
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và do chịu ảnh hưởng của biển, Vũng Tàu có khí hậu ôn hoà, ít gió bão, nhiệt độ trung bình từ 25oC đến 27oC, lượng mưa trung bình từ 1.300mm đến 1.700mm, có từ 2.300 đến 2.800 giờ nắng trong năm. Thiên nhiên thành phố Vũng Tàu tươi đẹp, kỳ thú đem lại tiềm năng lớn về Du Lịch.
II. Lịch sử - Văn hóa truyền thống – Di tích và Danh thắng thành phố Vũng Tàu
Về lịch sử vùng đất Vũng Tàu, trước kia là bãi lầy, nơi thuyền buôn nước ngoài thường vào trú đậu nên gọi là Vũng Tàu. Theo ghi chép trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức thì "Thuyền Úc", tục danh Vũng Tàu... phía bắc ôm cửa Tắc Khái (cửa sông Dính), phía nam đỡ núi Thát Sơn để che cửa Cần Giờ. Mặt trông về hướng tây, rộng lớn mênh mông để thu nạp các dòng nước sông suối chảy về biển, thành nơi êm đềm cho thuyền bè ẩn đậu. Từ buổi đầu khai phá vùng đất Nam Bộ, với vị trí án ngữ bên cửa biển Cần Giờ, Vũng Tàu là cửa ngõ, là lối vào quan trọng nhất của lưu dân Việt di chuyển bằng thuyền từ phía Bắc vào Nam.
Đầu thế kỷ thứ XVI, những thương nhân người Bồ Đào Nha đi tìm kiếm một thị trường ở Châu Á, họ đã gọi vùng đất này là Oporto Cinco Chagas Verdareiras, là "Vịnh nằm giữa những ngọn núi Cinco Chagas". Địa danh này được giải thích “năm dấu thánh của đức Giêsu” hay “năm vết thương của Chúa cứu thế”. Vì ở đây có 5 ngọn núi liền kề nhau, từ ngoài khơi xa nhìn thấy rất rõ. Đó là núi: Núi Nhỏ, Núi Lớn, Núi Nứa, Núi Dinh và núi Minh Đạm. Như vậy, địa danh Cap Saint Jacques bắt nguồn từ Cinco Chagas, xuất hiện từ năm 1775, cùng thời điểm với tên gọi Vũng Tàu được ghi trong Tự vị Annam - Latinh (1772- 1773).
Thời Gia Long (1802-1820), đặt thủ Vũng Tàu. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đổi tên làm thủ Phước Thắng (thủ Phước Thắng được ghi trong địa bạ xã Phước Tỉnh năm 1836, đây là lần đầu tiên tên gọi này xuất hiện). Tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) Vua sai quân dân Biên Hòa xây đắp pháo đài Phước Thắng bằng đá phía trên núi Ngoạ Ngưu của vịnh Ghềnh Rái (tức đây là vị trí Bạch Dinh ngày nay) theo hình vọng nguyệt, chu vi 44 trượng 8 thước, cao 6 thước 3 tấc. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đổi làm “Bảo” Phước Thắng, cũng gọi là “Pháo đài” là đồn canh phòng, được đặt nơi hiểm yếu, với số quân thường trực lên đến hàng trăm người ... Điều này cho thấy pháo đài Phước Thắng có nhiệm vụ phối hợp với các thành lũy bên Cần Giờ và các pháo đài khác bố trí dọc sông Lòng Tàu bảo vệ tuyến đường thủy vào thành Gia Định. Bảo Phước Thắng chính là nơi quân dân Vũng Tàu chăn đánh 12 chiến hạm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha do tướng Rigault de Genouilly chỉ huy trên đường vào xâm lược Nam Bộ. Đó là tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân miền Đông và cũng là của cả xử Nam Bộ. Năm 1898, pháo đài Phước Thắng bị phá hủy hoàn toàn để xây dựng Bạch Dinh.
Từ giữa thế kỷ XVIII, bán đảo Vũng Tàu đã có nhiều người Việt đến sinh sống. Để chống nạn cướp biển hoành hành và kiểm soát vùng cửa biển nên ngay từ thời Gia Long (1802-1820) để kiểm soát và bảo vệ vịnh Ghềnh Rái, cửa biển Cần Giờ, triều đình đã cử ba Thuyền đến vùng đất Vũng Tàu trấn giữ, lập đồn bình, dẹp nạn cướp biển. Khoảng năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tình trạng giặc cướp không còn nữa, nhà vua cho giải tán ba Thuyền và cho thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Sau đó, ba ông đội chỉ huy ba Thuyền đã tổ chức khai phá đất đai và lập ra ba làng: ông đội Phạm Văn Dinh lập ra làng Thắng Nhất; ông đội Lê Văn Lộc lập ra làng Thắng Nhì; ông đội Ngô Văn Huyền lập ra làng Thắng Tam. Sau này, ba ông đội còn được thờ tại ngôi Tiền Hiền trong ba ngôi đình của ba làng Tam Thắng xưa. Do vậy, Vũng Tàu còn được gọi là Tam Thoàn/ Tam thuyền cũng vì lý do ấy. Năm 1836, “Tam Thuyền” thuộc Tổng An Phú Thượng, huyện Phước An. Đến ngày 01 tháng 5 năm 1895, thực dân Pháp thành lập thành phố Cap Saint Jacques bao gồm ba làng Thắng. Do vậy, Vũng Tàu xưa còn được gọi tên là Tam Thoàn hay Tam Thắng để ghi lại sự kiện này.
Trong suốt trăm năm Pháp thuộc, vùng biển này còn được gọi theo tiếng Pháp là Au Cap Saint Jacques (mũi Đất - Aller au Cap), mà sau được Việt hóa, từ cụm từ “Aller au Cap” và người Sài Gòn trước đây gọi là Mũi Ô Cấp, 3 Ô Cấp, Cấp. “Cuối tuần đi Cấp chơi" ra đời cùng với nhu cầu đi nghỉ ngơi cuối tuần của người Sài Gòn và các vùng phụ cận. Họ thích đi Cấp vì Cấp vừa có biển, vừa là nơi phồn hoa, một thành phố dịch vụ du lịch của xứ Nam Kỳ, nơi người giàu được thư giãn và tận hưởng. Còn đối với người bình dân thì họ hay gọi Vũng Tàu hay Phước Thắng hơn, có lẽ vì quen thuộc và dễ nhớ hơn.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là vành đai xung yếu bao quanh Sài Gòn. Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh cùng với tinh thần đoàn kết, yêu nước đã vượt qua những khó khăn, thử thách, hy sinh góp phần vào thắng lợi cho quê hương, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Ngày 30-5-1979, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ 5 quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, gồm thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn và Côn Đảo. Vũng Tàu từng là trung tâm hành chính của tỉnh. Vũng Tàu là thành phố của biển, của núi, của di tích lịch sử văn hóa, là “trung tâm kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trung tâm khai thác dầu khí, du lịch quốc gia; trung tâm giao dịch quốc tế có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực phía Nam tổ quốc” như công nhận của Thủ tướng chính phủ từ năm 1999.
Về địa hình, do cấu tạo nằm bên cửa những con sông lớn, có núi ăn sâu sát biển nên bán đảo Vũng Tàu có nhiều bở biển đẹp, kín gió. Phía trong, ở những nơi không có núi che chắn, từ chân Núi Nhỏ lên khu Chí Linh, Cửa Lấp là những cồn cát và bưng bàu chạy song song bờ biển. Với cấu tạo địa hình với biển - côn cát - núi - bàu - hồ song song và xen kẽ nhau đã tạo cho Vũng Tàu một cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hữu tình, kỳ bí.
Núi Lớn, Núi Nhỏ đã tạo điểm nhấn nên thơ cho bờ biển Vũng Tàu. Một bức tranh sơn thủy, một bên là vách núi cheo leo, một bên là bờ biển sóng vỗ bờ đá trắng xóa từng làm say đắm du khách thập phương. Núi Nứa (Long Sơn) ở phía Bắc trung tâm Vũng Tàu, cùng với các cụm Núi Dính - Núi Minh Đạm và Núi Lớn - Núi Nhỏ tạo thế chân vạc làm nên sự độc đáo về phong thủy và đặc biệt có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự của vùng đất cửa ngõ.
Bờ biển Vũng Tàu là sự chuyển tiếp của thiên nhiên từ cấu trúc bờ biển Nam Trung Bộ (có cồn cát cao và rất rộng làm ranh giới giữa biển và đất liền) và bờ biển Nam Bộ (sình lầy, rừng ngập mặn làm ranh giới giữa biển và đồng bằng). Vì vậy, bờ biển Vũng Tàu có cấu trúc hình thái đơn giản, mức độ chia cắt bề mặt nhỏ và rất đẹp vì có những dải cát trắng viền quanh, thuận lợi phát triển các dịch vụ du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng. Bờ Đông và bờ Tây cuối bán đảo là Bãi Trước và Bãi Sau, cấu trúc theo dạng cánh cung. Hai đầu bãi là núi đá, tạo nên sự phong phủ và kỳ thú hiếm có. Rất ít nơi có nhiều bãi tắm tập trung như thành phố Vũng Tàu. Đó là Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, Bãi Dứa, Bãi Nghinh Phong, Bãi Chí Linh... Trên bờ là đại lộ ôm vòng theo bờ biển uốn quanh sườn núi và đi qua hầu hết các di tích danh thắng nổi tiếng nhất của thành phố. Con đường di tích danh thắng này đã làm nên nét riêng, rất duyên với dấu tích di sản văn hóa truyền thống giữa lòng thành phố hiện đại, càng làm cho Vũng Tàu một sức hấp dẫn đặc biệt, mà không phải thành phố biển nào cũng có. Chính bởi tiềm năng ẩn dấu đó mà ngay từ sớm (cách nay hơn 200 năm), Vũng Tàu đã được 4 giới chức Pháp thời đó xem là một đô thị nghỉ dưỡng nổi tiếng, một thành phố biển du lịch đầu tiên ở phía Nam.
Vũng Tàu không chỉ có những danh thắng đẹp, núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, có những di sản văn hóa là dấu tích một thời về lịch sử khai mở đất của tiền nhân và quá trình người dân kiến tạo văn hóa truyền thống mang dấu ấn biển rất riêng... thì nơi đây còn là chứng nhân, lưu giữ nhiều dấu tích về một thời oanh liệt, yêu nước nồng nàn của quân và dân Vũng Tàu trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, như các di tích: hệ thống trận địa pháo cổ trên Núi Lớn và Núi Nhỏ, di tích nhà má Tám Nhung, di tích nhà Cao Cẳng 18 Lê Lợi, di tích Đồn nhà máy nước...
Bên cạnh những di tích lịch sử cách mạng, Vũng Tàu còn là mảnh đất tập trung với mật độ dày đặc, phong phú các dạng thức di tích và danh thắng, cho thấy bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất xưa. Đó là những di tích lịch sử văn hóa (đình thần Thắng Tam, đình thần Thắng Nhất, Thắng Nhì, Miếu bà Ngũ Bang...); di tích về các dạng thức tín ngưỡng tôn giáo và dân gian truyền thống (Niết Bàn Tịnh Xá, Thích Ca Phật Đài, Nhà Lớn Long Sơn (đạo Ông Trần)...); đến những di tích là các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang phong cách phương Tây (kiến trúc nghệ thuật Bạch Dinh, kiến trúc nghệ thuật Tượng Chúa Kitô trên Núi Nhỏ...) đã làm nên linh hồn cho thành phố biển Vũng Tàu, có sự kết hợp hài hòa của truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, những đình chùa miếu mạo ở Vũng Tàu - mảnh đất vừa có núi rừng vừa có biển lại nổi tiếng linh thiêng, với các nghi thức và lễ hội dân gian đình làng của cư dân nông nghiệp, hay các nghi thức dân gian trong các lễ hội cầu ngư của ngư dân rộn ràng và náo nức... trở thành điểm du lịch hành hương cho khách thập phương.
Vũng Tàu có 17 di tích cấp quốc gia và một di tích cấp tỉnh, cụ thể:
- Di tích cấp quốc gia: Di tích Lịch sử văn hóa Bạch Dinh, Di tích trận địa Pháo cổ và Hầm thủy lôi Núi Lớn, Di tích lịch sử cách mạng nhà má Tám Nhung, Di tích trụ sở Ủy ban Việt Minh tại Vũng Tàu, Di tích lịch sử cách mạng "Nhà cao cẳng" số 18 Lê Lợi, Di tích lịch sử cách mạng nhà số 86 - Phan Chu Trinh, Di tích lịch sử cách mạng Đồn nhà máy nước, Khu di tích Đình Thắng Tam (đình Thắng Tam, Lăng Cá Ông, Miếu Bà), Di tích chùa Linh Sơn, Di tích danh thắng Thích Ca Phật Đài, Di tích chùa Phước Lâm, Khu di tích Nhà Lớn - Long Sơn (đền Ông Trần), Di tích lịch sử văn hóa Niết Bàn Tịnh Xá, Di tích Ăng ten Parapon (dài Viba) - Núi Lớn, Di tích trận địa pháo cổ trên núi Tao Phùng (Núi Nhỏ), Di tích trận địa pháo cổ Cầu Đá.
- Di tích cấp tỉnh: Đình - Chùa - Miếu Long Sơn .
Đến Vũng Tàu, tạo cơ hội cho mình được ngắm cảnh biển lúc bình minh hay lúc ngắm hoàng hôn, đợi mặt trời xuống biển đỏ lừng phía chân trời... và lang thang đến những di tích lịch sử, văn hóa... du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm, khám phá và hiểu hơn về con người và lịch sử của vùng đất này.
(Trích từ Ấn phẩm “Nội dung thuyết minh Di tích và Danh thắng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” do Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh BR-VT xuất bản)