Thành phố Vũng Tàu tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2024
angle-left null Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh

Chiều ngày 02/11, Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về đảm bảo ATGT đối với học sinh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị.

IMG_3018.JPG

IMG_3029.JPG

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu BR-VT

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh BR-VT có ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh.

Theo báo cáo tại Hội nghị, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, toàn quốc đã xảy ra 881 vụ TNGT liên quan đến học sinh từ 6-18 tuổi (chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc); làm chết 490 người, bị thương 827 người. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 08 vụ, giảm 33 người chết, giảm 34 người bị thương. Phương tiện điều khiển liên quan trong các vụ TNGT liên quan đến học sinh chủ yếu là xe mô tô từ 50-175cm3 (chiếm 71,31%), xe hai bánh dưới 50cm3 (chiếm 15,93%).

Trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm TTATGT (chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm TTATGT toàn quốc), phạt tiền 39 tỷ 267 triệu đồng; tạm giữ 61.356 xe mô tô. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (47,59%) và không đội mũ bảo hiểm (42,9%)...

Về tình hình trật tự ATGT, trật tự xã hội, ngành chức năng đã xử lý 03 vụ đua xe trái phép, tạm giữ 57 đối tượng trong lứa tuổi học sinh và 51 xe mô tô; 201 vụ tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự công cộng, tạm giữ 395 đối tượng trong lứa tuổi học sinh và 537 mô tô.

Tại BR-VT, trong 10 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 23 vụ TNGT liên quan đến học sinh (6-18 tuổi) làm 08 em chết, 27 em bị thương (giảm 31 vụ, 22 người chết và 39 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông của tỉnh cũng đã lập biên bản 624 trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông (chiếm 2% tổng số biên bản vi phạm toàn tỉnh), phạt tiền 600 triệu đồng, tạm giữ 597 phương tiện. Hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy phép lái xe (213 trường hợp) và không đội mũ bảo hiểm (147 trường hợp).

Theo đánh giá của Bộ Công an, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay đang ngày càng phổ biến; nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe, đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông… Điều này đã làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông liên quan học sinh với gần 500 em chết và hơn 800 em bị thương mỗi năm; để lại những hậu quả nặng về đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội. Các địa phương xảy ra TNGT liên quan học sinh nhiều nhất là: TP. Hồ Chí Minh (155 vụ), Gia Lai (48 vụ), Hà Nội (46 vụ)...

Nguyên nhân của tình trạng này là do các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh; một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái (cha mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định); việc tổ chức giao thông tại khu vực các cổng trường học hiện nay tồn tại nhiều vấn đề (phụ huynh đưa, đón con dừng đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường, di chuyển chen lấn không tuân theo quy tắc giao thông gây ùn tắc…) Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan là số lượng phương tiện phù hợp với lứa tuổi học sinh tăng nhanh trong khi hệ thống hạ tầng giao thông ở một số đô thị lớn đang ở trong tình trạng quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của Nhân dân.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm; xử lý nghiêm các trường hợp giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định…

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu cũng đã tập trung thảo luận, phân tích những nguyên nhân gây TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh trên địa bàn cả nước; đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp, mô hình đổi mới tuyên truyền, kiểm soát ATGT cho học sinh hiệu quả.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn các ngành, các cấp, đặc biệt là các đoàn thể quan tâm hơn nữa đến công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông nhằm góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông cho đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả để đảm bảo tuyệt đối an toàn  trường học, nhất là an toàn giao thông khu vực cổng trường; xem xét đưa nội dung bảo đảm TTATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ và năm học…

Thùy Dương