Nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành Công Thương cũng như thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế gắn với phát triển bền vững; qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Tỉnh phấn đấu, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp (IIP) đạt trên 10%/năm; tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong GRDP đạt 58.5 - 60% ; tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GRDP giảm 1%-1,5%/năm; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa không tính dầu khí bình quân 7 – 9%/năm trong thời kỳ 2021-2030; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 13% - 13,5%/năm.
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở ngành và địa phương trực tiếp triển khai thực hiện nội dung của Kế hoạch với các nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện như:
Về tái cơ cấu ngành công nghiệp
- Đối với các ngành công nghiệp nền tảng:
+ Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm hỗ trợ, ưu tiên phát triển các ngành: công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
+ Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh quy mô lớn, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị.
+ Chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm của ngành công nghiệp nền tảng, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước.
- Đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo có lợi thế xuất khẩu:
+ Tiếp tục phát triển và nâng cấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu gắn với cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất thông minh, tự động hóa.
+ Mở rộng quy mô phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường xuất khẩu gắn liền với việc nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.
+ Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tiến tới hình thành các cụm ngành sản xuất chuyên môn hóa, đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Tăng cường liên kết giữa các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước trong ngành công nghiệp điện tử
- Đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao:
+ Ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
+ Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao, trọng tâm "Make in Viet Nam", sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, tích hợp thành sản phẩm thương mại tại Việt Nam.
+ Tăng cường làm chủ công nghệ cốt lõi, tạo dựng thương hiệu Việt Nam, sử dụng công nghệ Việt Nam và gắn kết hiệu quả với mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
- Đối với công nghiệp hỗ trợ:
+ Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao… và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
+ Tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa.
+ Xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ công nghiệp để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ.
- Đối với ngành công nghiệp môi trường:
+ Phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trên cơ sở tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ môi trường, đặc biệt là công nghệ xử lý và tái chế chất thải, công nghệ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
+ Đẩy mạnh tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường theo lộ trình phù hợp.
c) Triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức không gian hoạt động sản xuất công nghiệp theo phương hướng tại Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
d) Hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trong các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành.
đ) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương. Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa...
Về tái cơ cấu ngành năng lượng
a) Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và công nghệ năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
b) Đối với ngành điện
- Bảo đảm cân đối về cung - cầu điện phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh trong từng thời kỳ.
-Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện (gồm điện gió gần bờ và ngoài khơi; điện khí LNG Long Sơn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8) và lưới điện truyền tải, phân phối trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển nhanh và bền vững các nguồn điện với cơ cấu và phân bổ hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hóa.
c) Đối với ngành dầu khí
- Phối hợp thực hiện tái cơ cấu ngành dầu khí theo chuỗi cung ứng đồng bộ, hoàn chỉnh có tính kết nối cao đối với 5 lĩnh vực cốt lõi gồm: tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp điện; công nghiệp khí; công nghiệp chế biến dầu khí; dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
- Phát triển cân đối ngành dầu khí từ hạ nguồn đến thượng nguồn. Hiện đại hóa, đẩy nhanh công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; đánh giá tiềm năng, khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững khoáng sản thềm lục địa và hải đảo.
- Ưu tiên phát triển, khai thác và sử dụng khí thiên nhiên, đảm bảo đủ năng lực để nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh; phối hợp đẩy nhanh việc triển khai các dự án hạ tầng dự trữ và cung ứng khí hóa lỏng (LNG) trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Về tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu
a) Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.
b) Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc lớn vào một thị trường; Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được.
- Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, nhất là công nghiệp cao, công nghệ nguồn, tiếp thu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
c) Tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng số.
Về tái cơ cấu thị trường trong nước
a) Tập trung hỗ trợ hình thành và phát triển một số tập đoàn bán buôn, bán lẻ trong nước có thương hiệu lớn và có khả năng cạnh tranh trong khu vực với hệ thống phân phối hiện đại, làm chủ hệ thống tổng kho, trung tâm logistics và nguồn cung ứng hàng hoá.
b) Tăng cường kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ.
c) Phát triển và đa dạng hóa các trung tâm tiêu dùng của cả nước theo vùng và địa bàn, gắn phát triển các trung tâm mua sắm với các trung tâm du lịch, các địa bàn tập trung sản xuất công nghiệp và dịch vụ; ưu tiên phát triển thị trường vùng nông thôn, miền núi.
d) Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng.
đ) Tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương.
e) Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước.
Hội nhập kinh tế quốc tế
a) Thực hiện hội nhập kinh tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như công nghiệp năng lượng, chế biến sâu nông - lâm thủy sản, điện tử, công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường.
b) Kết hợp hài hòa giữa hội nhập bên ngoài với đẩy mạnh hội nhập bên trong theo hướng tập trung thực thi các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường đầy đủ.
c) Đẩy mạnh hội nhập toàn diện và bền vững thông qua tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề về xã hội như lao động, công đoàn…
Kế hoạch cũng đã xây dựng 05 nhóm giải pháp chính để thực hiện gồm:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính và số hóa trong môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương đáp ứng yêu cầu phát triển; đặc biệt rà soát, cập nhật bổ sung hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại, đảm bảo thúc đẩy môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao.
2. Huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương.
3. Cải cách tổ chức bộ máy theo hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền; thực thi chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
4. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững.
5. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành; tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin; nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan về tái cơ cấu ngành Công Thương.
(Nguồn: Quyết định số 3322/QĐ-UBND)