Biểu ngữ is temporarily unavailable.
angle-left null Cần xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh là những vấn đề cơ bản của quá trình tồn tại và phát triển doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh là sự biểu hiện mặt văn hóa của hoạt động kinh doanh. Văn hóa của một doanh nghiệp là một bộ phận của văn hóa kinh doanh. Sự phát triển của doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào doanh nhân và văn hóa doanh nhân.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người thành phố Vũng Tàu.

Theo thông tin từ Hội Doanh nhân trẻ thành phố Vũng Tàu thì: Hội Doanh nhân trẻ thành phố Vũng Tàu (trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được thành lập năm 2006 với mục tiêu đoàn kết, hợp tác, tập hợp doanh nhân trẻ giúp nhau phát triển sản xuất kinh doanh và cùng thực hiện các hoạt động xã hội khác. Trải qua gần 2 thập niên, tính đến thời điểm này, Hội Doanh nhân trẻ thành phố Vũng Tàu có gần 200 hội viên. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu có 6.500 doanh nghiệp và 120 doanh nghiệp FDI đăng ký hoạt động. Số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động là 4.400 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 70% số doanh nghiệp đăng ký. Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Vũng Tàu và các cấp, ngành, sự tâm huyết của cộng đồng Doanh nghiệp, thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ thành phố Vũng Tàu đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp hội viên; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp; là cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hội Doanh nhân trẻ thành phố Vũng Tàu từng bước hoàn thành mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó khẳng định vị trí, vai trò của Hiệp hội trong xã hội, vị thế của đội ngũ doanh nhân ngày càng nâng cao, doanh nghiệp ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng.

Vừa qua, UBND thành phố Vũng Tàu cũng đã ban hành Kế hoạch số 8768/KH-UBND ngày 12/08/2024 về truyền thông nâng cao nhận thức cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc, có trách nhiệm với xã hội, có ý thức bảo vệ môi trường, thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế và hình ảnh của doanh nhân. Theo đó, mục đích của Kế hoạch là tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ và Kế hoạch số 338-KH/TU ngày 23/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 16/07/2024 của UBND tỉnh BR-VT. Qua đó, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp theo tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân, lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thành phố Vũng Tàu vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc, địa phương và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh của cả nước và thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quảng bá hình ảnh của địa phương; Thông tin việc xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí, quyết tâm, tự tin, khát vọng phát triển; không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, kiến thức, đề cao ý thức công dân, xây dựng đạo đức, văn hóa trong kinh doanh, tạo dựng và giữ gìn chữ tín của doanh nghiệp; chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật về thuế, lao động, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, các chính sách bảo hiểm xã hội và các quy định của pháp luật khác. Khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động giúp đỡ các đối tượng người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Các doanh nghiệp, doanh nhân tại thành phố Vũng Tàu cần phải quan tâm xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá doanh nghiệp. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã yêu cầu: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”, coi đây là một trong những thành tố quan trọng trong việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; là một trong những động lực thúc đẩy hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Trong quá trình hoạt động, các doanh nhân, doanh nghiệp tại thành phố Vũng Tàu cần phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển, phải đổi mới để thích nghi với môi trường luôn biến động với nhiều thành công và không ít thất bại. Đồng thời với quá trình ấy, các doanh nhân với ý thức tự giác, vận dụng một cách sáng tạo các yếu tố văn hóa vào sản xuất, kinh doanh, có nghĩa là họ đang tự giác xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Cùng với thời gian, các yếu tố văn hóa doanh nghiệp dần được hình thành và xác lập, qua thử thách để rồi tồn tại và trở thành văn hóa doanh nghiệp một cách có hệ thống. Khi doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì triết lý sống và làm việc, các giá trị theo đuổi, tư tưởng kinh doanh, phong cách quản lý của doanh nhân sẽ được mọi thành viên chia sẻ và trở thành cái riêng có của mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, văn hóa doanh nghiệp bao giờ cũng in đậm dấu ấn nhân cách của doanh nhân, chỉ khi nào doanh nhân để lại dấu ấn sáng tạo trong văn hóa doanh nghiệp của mình, lúc ấy trong họ mới có cái gọi là văn hóa doanh nhân.

Theo ông Lê Chí Cường – Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu về hải sản tại thành phố Vũng Tàu thì: Nghề kinh doanh rất coi trọng đạo đức của doanh nhân vì những sản phẩm và dịch vụ của họ liên quan trực tiếp đến con người. Khách hàng không thể kiểm tra hết mọi thông tin về sản phẩm, có nghĩa là khách hàng phải tin vào tính trung thực của doanh nhân. Nếu doanh nhân thiếu đạo đức, không trung thực, cắt xén thông tin, cố ý gian dối về sản phẩm để vụ lợi cá nhân thì hậu quả gây ra cho khách hàng và xã hội rất nghiêm trọng. Do đó, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức không thể thiếu của một doanh nhân thực thụ là tính trung thực, tôn trọng con người, khát vọng vươn tới sự hoàn hảo, dám đương đầu với thử thách, coi trọng hiệu quả gắn liền với trách nhiệm xã hội.

Bà Lê Thu Hồng – Doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại thành phố Vũng Tàu cho biết: Những doanh nhân có văn hóa đều biết rằng không thể tùy tiện trong việc ăn, nói, mặc, đi lại, quan hệ… mà cần có hành vi, hoạt động theo cách chuẩn mực phù hợp với văn hóa và hoàn cảnh. Trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, doanh nhân rất cần phải bổ sung thêm những kỹ năng xử lý trong sự khác biệt của các nền văn hóa. Đây là một yêu cầu mới, bởi vì mọi nền văn hóa đều tự phân biệt nó khác với nền văn hóa khác bằng cách chọn những phương án giải quyết riêng đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Có thể thấy rằng, đạo đức doanh nhân và văn hoá doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Trong thời gian tới, thành phố Vũng Tàu sẽ tăng cường tuyên truyền, nhân rộng mô hình, cách làm hay của cá nhân, tổ chức của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; Nâng cao nhận thức cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc, có trách nhiệm với xã hội, có ý thức bảo vệ môi trường, thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế và hình ảnh của doanh nhân; Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nhân, đẩy mạnh nâng cao nhận thức của doanh nhân, doanh nghiệp về ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh; phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, quảng bá thương hiệu, tôn vinh doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Văn hóa kinh doanh không thể phát triển mạnh mẽ nếu không có sự hưởng ứng và nỗ lực của mọi thành viên trong xã hội./.

Bài: Lê Ngân, BBT