angle-left null Kế hoạch Thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá đến năm 2030”

Nhằm quán triệt nội dung của Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và tiếp tục triển khai thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá sâu rộng trên địa bàn tỉnh; phấn đấu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá để giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá đến năm 2030” với các mục tiêu cụ thể sau:

  • Giai đoạn 2023 - 2025:

- Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 38%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,3%;

- Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 24%; tại nhà hàng xuống dưới 70%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 32%;

- Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

  • Giai đoạn 2026 - 2030:

- Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%;

- Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 20%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 30%;

- Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023. Mục tiêu của Chiến lược là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng; qua đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra và bảo đảm quyền được sống, làm việc và học tập trong môi trường không khói thuốc lá của người dân. Chiến lược cũng nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030.

Theo Kế hoạch, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia các cấp cùng chính quyền các địa phương sẽ phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính sau:

(1) Tăng cường quán triệt triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về PCTH; đề cao tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác PCTH thuốc lá; đồng thời ban hành nghị quyết, kế hoạch phù hợp với từng thời kỳ để thực hiện Chiến lược quốc gia PCTH thuốc lá đến năm 2030.

(2) Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

(3) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

(4) Triển khai thực hiện các địa điểm cấm hút thuốc lá (theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 1 Thông tư số 11/2023/TT-BYT) và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá cho các tổ chức, cá nhân có địa điểm cấm hút thuốc lá (theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 11 Thông tư số 11/2023/TT-BYT).

(5) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lựa hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

(6) Kiện toàn Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá từ tỉnh đến huyện và nâng cao năng lực mạng lưới cộng tác viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động. Tại Việt Nam, hàng năm có hơn 40.000 người chết do các bệnh từ thuốc lá gây ra. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Cùng với tác hại cho sức khỏe, thuốc lá còn gây ra gánh nặng về kinh tế không chỉ cho người sử dụng mà còn cho thành viên trong gia đình, cộng đồng xã hội…

Thời gian qua, dù tỷ lệ hút thuốc là có giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới và là nước đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về số người trưởng thành hút thuốc lá. Trong những năm gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha. Các sản phẩm này hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước nhưng việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến.

Tại tỉnh BR-VT, so với năm 2018, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành có xu hướng giảm, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng trong giới trẻ, đặc biệt là đối tượng học sinh.

(Nguồn: Kế hoạch số 221/KH-UBND)