Thành phố Vũng Tàu tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2024
angle-left null Bà Rịa-Vũng Tàu: Tăng cường công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng tại các công trình xây dựng

Chúng ta có thể thấy rằng, an toàn lao động trong xây dựng là các giải pháp phòng ngừa, chống các tác động của nhiều các yếu tố có hại và nguy hiểm nhằm tránh các tác động nguy hiểm đến sức khỏe, thương tật hay tử vong đối với công nhân đang trong thi công. Đồng thời đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng là ngăn ngừa những mất mát, rủi ro không đáng có trong quá trình đang hoàn thành công việc.

Trong thời gian qua, công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình được nói đến nhiều nhưng thực tế không được quan tâm đúng mức như công tác chất lượng, tiến độ và chi phí thực hiện dự án. Hàng năm, tại Việt Nam trong ngành xây dựng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lao động, trong đó có các vụ nghiêm trọng, gây chết và bị thương nhiều người cũng như gây ra những thiệt hại vật chất đáng kể. Vì vậy cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến công tác này. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và công nhân tham gia xây dựng. Để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa sự cố làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tham gia thi công, tài sản, trang thiết bị xây dựng.

(Hình minh hoạ)

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, đã xảy ra một số sự cố tai nạn trong thi công xây dựng gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và người dân đang sinh sống lân cận công trường, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến trẻ nhỏ sinh sống, hoạt động xung quanh các công trường xây dựng như sự cố đổ máy ép cọc tại công trình xây dựng nhà văn hóa thôn Văn Trong, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (tháng 01/2021); sự cố trẻ nhỏ rơi xuống hố ép cọc bê tông tại công trường Khu đô thị Thăng Long Home Hiệp Phước, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (ngày 19/12/2022) và mới đây là sự việc xảy ra vào ngày 31/12/2022 tại công trình cầu Kênh Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Để đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình, ngăn ngừa những sự cố gây hậu quả đáng tiếc như trên, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp quản lý về chất lượng công trình xây dựng; các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện và chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Cương quyết dừng thi công xây dựng nếu phát hiện tại công trình, công trường xây dựng có nguy cơ gây mất an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng theo quy định pháp luật.

Các Ban Quản lý dự án chuyên ngành tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, các chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cần chú trọng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng; phải bố trí đầy đủ nguồn lực, đảm bảo kinh phí theo quy định cho công tác đảm bảo an toàn lao động tại công trường. Các chủ thể có liên quan phải nghiêm túc thực hiện đúng, đủ các yêu cầu đối với công trường xây dựng theo quy định tại Điều 109 Luật Xây dựng năm 2014, lưu ý đối với các công trường nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, công trình xây dựng theo tuyến phải tuân thủ quy định tại mục 2.1.7.1 QCVN 18:2021/BXD. Đối với các nhà thầu thi công xây dựng, phải thực hiện xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, trong đó có các biện pháp kỹ thuật an toàn đối với hố đào sâu (hố cọc, móng,...) đang thi công để tránh người bị rơi ngã, tai nạn; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng tại công trường. Lưu ý tăng cường công tác quản lý công trường trong giai đoạn nghỉ, dừng thi công đảm bảo tuân thủ các quy định tại mục 2.1.12 QCVN 18:2021/BXD, đặc biệt trong các kỳ nghỉ dài vào các ngày lễ, tết.

Theo Lãnh đạo Sở xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì: Các biện pháp an toàn và nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải được bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn; Thi công xây dựng phải tuân thủ theo thiết kế được duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật. Đối với những công việc có yêu cầu phụ thuộc vào chất lượng của công việc trước đó, thì chỉ được thi công khi công việc trước đó đã được nghiệm thu đảm bảo chất lượng theo quy định; Có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc đảm nhận của các tổ chức, cá nhân. Những người điều khiển máy, thiết bị thi công và những người thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ phải được huấn luyện an toàn lao động; Máy, thiết bị thi công phải được kiểm định, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì mới được phép hoạt động trên công trường; Những người khi tham gia thi công xây dựng trên công trường phải được khám sức khỏe, huấn luyện về an toàn và được cấp phát đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.

Nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng tại các công trình xây dựng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần thường xuyên tuyên truyền các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng, đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ thể tham gia hoạt động thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng theo quy định. Làm cho người công nhân xây dựng, người sử dụng lao động, chủ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động xây dựng nhận thức được đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng là bảo vệ chính bản thân người lao động và doanh nghiệp, từ đó thay đổi nhận thức, hình thành văn hóa an toàn lao động trong doanh nghiệp và người lao động. Khi đã hình thành văn hóa an toàn lao động thì sẽ làm triệt tiêu các yếu tố gây mất an toàn lao động./.

Tin: Bằng Lăng, BBT