Thành phố Vũng Tàu tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2024
angle-left null Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đến năm 2030

UBND thành phố Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đến năm 2030.

Kế hoạch được xây dựng nhằm kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và không để xảy ra trường hợp người tử vong vì bệnh Dại, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

Cụ thể, để kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và đến năm 2030 phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng. Có ít nhất một điểm tiêm vắc xin Dại trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. 100% số người tiêm vắc xin phòng bệnh Dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia. 90% số người bị phơi nhiễm sau khi bị động vật cắn hoặc nghi bệnh Dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Không có người tử vong vì bệnh Dại.

Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền cho nhân dân biết về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, từ đó nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng và quản lý chó, mèo nuôi; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền xã, phường, thị trấn, cơ quan quản lý thú y về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư.

Tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin dại triệt để trên đàn chó, mèo; yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó, mèo nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi theo đúng quy định. Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý thú y ở địa phương tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo nuôi.  

Điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại Cơ quan y tế có trách nhiệm hướng dẫn xử lý bệnh nhân tử vong do bệnh Dại, mai táng theo quy định của bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm nhóm B. Điều tra, lập danh sách và hướng dẫn những người bị phơi nhiễm đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng. Phối hợp liên ngành Thú y trong việc giám sát, lấy mẫu bệnh Dại trên động vật dựa vào người bị cắn đi tiêm phòng.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Trong đó, tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với 3 vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại. - Tiêm nhắc lại theo định kỳ: Áp dụng cho những người do công việc thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với vi rút dại và chỉ tiêm nhắc lại 1 liều khi xét nghiệm chuẩn độ kháng thể dại ở mức dưới 0,5UI/ml.

 Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người, trong đó bảo đảm thành phố Vũng Tàu có ít nhất 01 điểm tiêm có đủ có sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nguồn nhân lực để phục vụ kịp thời công tác điều trị dự phòng, đảm bảo khả năng dễ tiếp cận, giá thành thấp. Đảm bảo đủ trang thiết bị, vắc xin và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng theo Kế hoạch quốc gia về cung ứng, sử dụng vắc xin phòng Dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh Dại.

Kế hoạch cũng hướng dẫn cụ thể cách giám sát khi người bị phơi nhiễm đi tiêm vắc xin phòng Dại và đối với bệnh nhân tử vong để phát hiện sự lưu hành của vi rút Dại.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân hành nghề khám, chữa bệnh chó, mèo phải thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Dại, cấp sổ tiêm phòng và định kỳ hàng tháng báo cáo tổng hợp số liệu tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo cho cơ quan thú y địa phương; trong trường hợp khám và điều trị nếu phát hiện chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để xử lý kịp thời.

(Nguồn: Kế hoạch số 2130/KH-UBND, Tuệ Lâm, BBT)