Nhằm thực hiện tốt công tác Tư pháp năm 2023 trên địa bàn thành phố Vũng Tàu và tự kiểm tra, đánh giá những kết quả đạt được cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác tư pháp, đồng thời để công tác tiếp các đoàn kiểm tra trong lĩnh vực tư pháp, theo dõi thi hành pháp luật đạt kết quả tốt, UBND thành phố Vũng Tàu ban hành Kế hoạch số 2692/KH-UBND ngày 26/4/2023 về kiểm tra công tác Tư pháp, theo dõi thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2023.
Theo đó Kế hoạch là nhằm kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác Tư pháp, theo dõi thi hành pháp luật của UBND các phường, xã và các cơ quan đơn vị có liên quan. Và Để chuẩn bị tốt cho công tác tiếp đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh và Sở Tư pháp trong công tác kiểm tra định kỳ hàng năm về lĩnh vực Tư pháp, công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thời gian tính số liệu kiểm tra sẽ là 6 tháng cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 hoặc tính đến thời điểm kiểm tra.
Đoàn Kiểm tra tư pháp Thành phố sẽ tiến hành kiểm tra, làm việc tại các phòng ban Thành phố hoặc các phường xã
Nội dung được kiểm tra công tác Tư pháp, công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như là công tác theo dõi thi hành pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trong tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn thành phố Vũng Tàu như: Tổng số vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính; số vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý; Việc thực hiện các quy định pháp luật về thẩm quyền, trình tự thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng pháp luật và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Tình hình, kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;Việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Việc lưu trữ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính...; Theo dõi thi hành pháp luật chung và theo dõi trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu và lao động, việc làm theo các văn bản của Trung ương, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đối với Công tác Tư pháp ở Ủy ban nhân dân các phường, xã thì Công tác văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) như Hồ sơ ban hành văn bản QPPL tại địa phương; Công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL của HĐND và UBND các phường, xã hàng năm và kỳ 2019-2023 theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định 34/2016/NĐ-CP, Nghị định 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghi định số 34/2016/NĐ-CP và theo các Kế hoạch của UBND thành phố, UBND tỉnh đã triển khai trong năm 2023.
Công tác hộ tịch thì là kết quả triển khai thực hiện quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; đặc biệt công rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch đã thực hiện số hóa Sổ hộ tịch theo Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 14/8/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do ngành Công an quản lý. Công tác thực hiện khắc phục các hạn chế thiếu sót được nêu trong các Kết luận Thanh kiểm tra; Kết quả giải quyết các vụ việc hộ tịch thuộc thẩm quyền, đặc biệt là công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hộ tịch trực tuyến có đảm bảo tỷ lệ hồ sơ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; Công tác quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu hộ tịch; ghi chép sổ sách hộ tịch, lưu trữ hồ sơ hộ tịch theo quy định của Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp; Công tác bố trí công chức tư pháp-hộ tịch; công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch hàng năm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 72 Luật Hộ tịch của địa phương; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm (nếu có).
Đối với công tác chứng thực tại các phường xã gồm công tác triển khai, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành về chứng thực trên địa bàn; đặc biệt việc triển khai các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác chứng thực của Ủy ban nhân dân tỉnh và của Sở Tư pháp; Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh theo Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Công tác thực hiện khắc phục các hạn chế thiếu sót được nêu trong các Kết luận Thanh kiểm tra (Thông báo kết luận số 2703/TB-STP ngày 14/11/2022 của Sở Tư pháp và Kết luận số 73/KLTTCN-HTQTCT ngày 17/01/2023 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp về việc thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, chứng thực tại một số đơn vị thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Kết quả thực hiện chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã, đặc biệt là công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chứng thực trực tuyến có đảm bảo tỷ lệ hồ sơ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; Việc thu phí chứng thực theo quy định tại Thông tư số 226/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính; Công tác quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu chứng thực; ghi chép sổ sách về chứng thực và lưu trữ hồ sơ, sổ sách chứng thực theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp; Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm (nếu có).
Ngoài ra có công tác nuôi con nuôi; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật: Kế hoạch, Hồ sơ kiểm chứng liên quan...; Công tác hoà giải ở cơ sở: Củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, hòa giải viên; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, tình hình và kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, việc thống kê số liệu, ghi chép sổ hoà giải, thanh toán kinh phí về công tác hoà giải ở cơ sở; Việc tham gia thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận theo quy định của pháp luật và các chương trình phối hợp công tác có liên quan; Các công tác khác tập trung như công tác thi đua khen thưởng: đăng ký giao ước thi đua năm 2023; Chế độ báo cáo theo quy định và đột xuất; Những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện và nguyên nhân; Các đề xuất, kiến nghị./.
Tin, ảnh: Kim Nguyễn, BBT