Mùa hè với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Trước thực tế đó, thành phố Vũng Tàu đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng phòng chống các bệnh thường gặp như bệnh dại, sốt rét, sởi và cúm mùa.
Hiểm họa từ bệnh dại và cách phòng ngừa
Mối lo về bệnh dại được gióng lên mạnh mẽ khi ngày 06/4/2025, trên địa bàn xã Long Sơn ghi nhận 5 trường hợp bị chó nghi mắc bệnh dại cắn. Các trường hợp này đều có nguy cơ phơi nhiễm cao do tiếp xúc trực tiếp với chó nghi bệnh. Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người, UBND thành phố Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng UBND các phường, xã tăng cường công tác giám sát, tuyên truyền, đồng thời tổ chức các hoạt động khám, tư vấn, cấp phát vắc xin và huyết thanh kháng dại kịp thời cho người dân.
Bệnh dại vốn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính cực kỳ nguy hiểm, lây chủ yếu qua vết cắn hoặc cào xước của chó, mèo mắc bệnh. Một khi các triệu chứng đã xuất hiện, bệnh gần như không thể cứu chữa và tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy nhiều người vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa có kiến thức đúng đắn về cách xử lý khi bị chó, mèo cắn. Không ít trường hợp tử vong vì bệnh dại là do không tiêm phòng sau khi bị cắn, tiêm muộn, tiêm không đủ liều hoặc tự ý điều trị bằng thuốc Nam. Điều đáng lưu ý là không chỉ chó mà cả mèo cũng có thể mang vi rút dại, và không chỉ vết cắn mà cả vết cào xước cũng đủ để lây nhiễm nếu không xử lý đúng cách.
Trong bối cảnh đó, việc tiêm phòng vắc xin dại đầy đủ cho chó, mèo và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Người dân được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với động vật lạ, không đùa nghịch với chó, mèo, đặc biệt là đối với trẻ em. Khi không may bị chó, mèo cắn hoặc cào, cần lập tức rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng trong ít nhất 15 phút, sát trùng bằng cồn 70%, sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại. Mỗi người hãy chủ động bảo vệ bản thân để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ngay từ những hành động nhỏ nhất.
Sốt rét: Nguy cơ tiềm ẩn không thể xem thường
Cùng với bệnh dại, sốt rét cũng là mối lo mùa hè không thể xem nhẹ. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do ký sinh trùng gây ra, lây truyền qua vết đốt của muỗi Anopheles. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như sốt cao, rét run, đau đầu, buồn nôn, và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Do đó, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh như ngủ màn thường xuyên, ưu tiên sử dụng màn tẩm hóa chất, mặc quần áo dài tay khi đi rừng hoặc làm việc tại khu vực có nhiều muỗi, và chủ động đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Cảnh giác với bệnh sởi gia tăng mạnh
Không dừng lại ở đó, ngành y tế thành phố còn đặc biệt lưu tâm đến tình hình bệnh sởi, khi từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 40.000 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó gần 3.500 ca dương tính và 5 ca tử vong. Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, số ca mắc sởi đã vượt mốc 1.000 ca, chủ yếu tập trung ở trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi, phần lớn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, lây qua đường hô hấp với khả năng lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch tại những nơi đông người. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban toàn thân. Trẻ nhỏ và người lớn chưa được tiêm phòng đầy đủ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Để phòng bệnh, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi: mũi đầu tiên lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, cần thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên, vệ sinh nhà cửa, lớp học sạch sẽ, thông thoáng, khử trùng đồ chơi và vật dụng của trẻ. Khi trẻ có biểu hiện nghi mắc bệnh, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và cách ly kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng.
Các poster tuyên truyền phòng chống bệnh dịch là biện pháp chuyển tải thông tin hiệu quả, nhanh chóng
Chủ động phòng bệnh cúm mùa và vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngoài các dịch bệnh trên, cúm mùa cũng là mối quan tâm không thể xem nhẹ, nhất là trong thời điểm giao mùa như hiện nay. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ hàng năm, duy trì thói quen rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, và tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng cúm để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Song song với công tác phòng chống dịch bệnh, thành phố Vũng Tàu cũng chú trọng tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm – yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Người dân cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, lựa chọn thực phẩm tươi sống, rõ nguồn gốc xuất xứ và bảo quản thực phẩm đúng cách nhằm hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Hiện ngành Y tế Vũng Tàu đã phối hợp với ngành Văn hóa và các đơn vị liên quan tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Các hình thức truyền thông được đa dạng hóa, từ phát thanh lưu động, băng rôn, áp phích, đến việc sử dụng mạng xã hội để kịp thời đưa thông tin chính xác, hướng dẫn người dân chủ động phòng bệnh.
Dịch bệnh không trừ một ai, và phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. UBND thành phố Vũng Tàu kêu gọi mỗi người dân hãy nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh, chung tay vì một cộng đồng an toàn, khỏe mạnh.
Bài, ảnh: Khuê Tú, BBT