Thành phố Vũng Tàu tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2024
angle-left null Vũng Tàu: Bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số

Xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, với các nhiệm vụ như đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin và các nền tảng số, đảm bảo an toàn dữ liệu…mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội, việc phát triển chính quyền số cũng hướng đến trang bị “năng lực số” cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thực thi công vụ. Thời gian qua, hoạt động xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được thành phố Vũng Tàu quan tâm chỉ đạo sát sao. Qua đó, hiệu quả, hiệu lực công tác lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước không ngừng được nâng lên, người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn.

Tuổi trẻ phường 3, thành phố Vũng Tàu hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến cho người dân

Nhiều năm trở về trước, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của thành phố Vũng Tàu còn chưa đồng bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai còn riêng lẻ, chưa liên thông, chia sẻ dữ liệu; trang thiết bị CNTT tại một số cơ quan, đơn vị. Trong khi nguồn kinh phí thực hiện còn eo hẹp, người dân ngại tiếp cận, cán bộ còn “bối rối”… khiến việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử ở thành phố Vũng Tàu trong những năm đầu thực hiện vô cùng khó khăn. Với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành; tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng; xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội và sự hài lòng của người dân trên địa bàn, thành phố Vũng Tàu tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

Cụ thể, tính đến cuối Tháng 7 năm 2024, thành phố Vũng Tàu đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn, xác định khâu đột phá trong công tác chuyển đổi số năm 2024 là tập trung phát triển xã hội số thúc đẩy kinh tế số, chính quyền số phát triển. Hiện nay, tại thành phố Vũng Tàu, 100% văn bản được ký số và được gửi nhận qua phần mềm quản lý văn bản điện tử; 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp toàn trình; 100% hồ sơ được số hóa (13.927/ 13.927); 91,88% (13.986/15.222) TTHC được người dân thực hiện trực tuyến; 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các phường xã đã triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số năm 2024; Kế hoạch đánh giá những tồn tại hạn chế năm 2023 phương hướng thực hiện năm 2024, cơ bản bám sát các tiêu chí theo Kế hoạch của thành phố đề ra; 100% cơ quan, đơn vị UBND các phường, xã triển khai đăng ký và triển khai Kế hoạch thực hiện khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; 100% các trường học triển khai và ký số học bạ điện tử năm học 2023 -2024 cho học sinh; 100% cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố thực hiện đồng bộ sử dụng tài khoản định danh điện tử Vneid trong việc xử lý tiếp nhận và thực hiện TTHC trên cổng dịch vụ hành chính công các cấp.

Bên cạnh đó, thành phố Vũng Tàu đã và đang thúc đẩy chuyển đổi số trong Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển Doanh nghiệp số, đẩy nhanh quá trình đưa các sản phẩm tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử. Hiện nay, tỷ lệ Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; Thống kê được 193 hộ sản xuất nông nghiệp triển khai hướng dẫn thực hiện chứng nhận sản phẩn đạt chứng nhận OCOP của tỉnh để đưa lên sàn thương mại điện tử nông nghiệp. Tiếp tục triển khai công tác rà soát vận động người dân đăng ký công nhận sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn; Triển khai tuyên truyền vận động người dân, các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp chủ động tiếp cận nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, sử dụng tên miền .vn …..

Những kết quả trên là nỗ lực của thành phố Vũng Tàu trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số nhằm chuyển đổi hoạt động quản lý điều hành của chính quyền dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính…. Qua đó, thực hiện cam kết về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển. Hoạt động công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số, xác định khâu đột phá trong công tác chuyển đổi số năm 2024 là tập trung phát triển xã hội số thúc đẩy kinh tế số, chính quyền số phát triển. Trong 07 tháng đầu năm 2024, thành phố Vũng Tàu đã triển khai công tác cấp chữ ký số cá nhân cho 9.200 người dân trên địa bàn thành phố. Tổ chức tập huấn, nghiệp vụ cho hơn 560 cán bộ, công chức, viên chức người lao động trên địa bàn thành phố về kỹ năng nghiệp vụ chuyển đổi số năm 2024, an toàn an ninh thông tin. 100% các trường học triển khai và ký số học bạ điện tử năm học 2023 -2024 cho học sinh.

Có thể thấy rằng, chính quyền điện tử bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Vũng Tàu từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử. Vì vậy, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi, giám sát. Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức có thêm nhiều cơ hội thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Chi phí về thời gian, công sức, của cải vật chất cho cả cơ quan nhà nước lẫn tổ chức, người dân được tiết kiệm đáng kể. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ công chức, viên chức đã thể hiện tinh thần gương mẫu, đi đầu, phát huy tinh thần trách nhiệm với phương châm “không ai đứng ngoài cuộc”; tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; chỉ đạo đổi mới hoạt động, điều hành và mô hình nghiệp vụ từ “truyền thống” sang ứng dụng CNTT.

Theo Lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu thì: Thời gian qua, thành phố Vũng Tàu luôn coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xem đây như là một một cuộc đổi mới trong cải cách hành chính giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; hướng đến tạo sự hài lòng trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong ba trụ cột chính (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), thành phố Vũng Tàu xác định chính quyền số thực hiện sứ mệnh dẫn dắt kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Với phương châm “đi từng bước chắc chắn, làm đến đâu chắc đến đấy”, thành phố Vũng Tàu đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung làm tốt việc huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng số. Phát triển, kết nối, khai thác các nền tảng chuyển đổi số tập trung, thống nhất trong toàn thành phố như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống hội nghị trực tuyến; Trung tâm điều hành thông minh; Trung tâm giám sát an toàn thông tin…

Trong thời gian tới, thành phố Vũng Tàu tiếp tục triển khai Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, vận động các doanh nghiệp tiếp tục triển khai tiếp cận công nghệ số, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiếp cận sử dụng chữ ký số cá nhân, hợp đồng điện tử; Đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị doanh nghiệp trong công tác phối hợp thực hiện chuyển đổi số đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Triển khai các hội nghị tuyên truyền tiếp cận công nghệ số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố. Triển khai có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản iDesk và phần mềm một cửa VNPT-iGate trên địa bàn thành phố. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành. Tăng cường thực hiện chữ ký số tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ qua mạng./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT

Chuyển đổi số

LIÊN KẾT WEBSITE