Năm 2024, công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Vũng Tàu tiếp tục được Đảng bộ và chính quyền thành phố, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Công tác chuyển đổi số ngày càng lan tỏa và được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố, với 3 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong đó, triển khai chính quyền số là một nội dung trong chuyển đổi số, là quá trình ứng dụng CNTT, đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính. Thành phố Vũng Tàu đã và đang đẩy mạnh các khâu đột phá về chuyển đổi số trong thanh toán không dùng tiền mặt, phát huy các kết quả, nền tảng chuyển đổi số đạt được cũng như triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các nền tảng mới, ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành Chính quyền điện tử trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn thành phố.
Người dân thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng tại siêu thị Coop.mart Vũng Tàu
Trong năm 2024, UBND thành phố, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Vũng Tàu đã đăng ký thực hiện khâu đột phá năm 2024 với 03 nội dung là: 100% thanh toán các loại phí: học phí, điện, nước, truyền hình cáp thực hiện chuyển khoản; 100% các cửa hàng bách hóa tổng hợp, các nhà hàng, siêu thị có mã QR code nhận thanh toán chuyển khoản; 70% các khách sạn có website tên miền.vn
Trong tháng 6 đầu năm 2024, thành phố Vũng Tàu đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các khâu đột phá này. Cụ thể về khâu đăng ký 100% thanh toán các loại phí: học phí, điện, nước, truyền hình cáp thực hiện chuyển khoản. Tỷ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt trên địa bàn thành phố là: điện 100%; học phí cho học sinh 100%; nước 85.2%; các ngành dịch vụ viễn thông đạt gần 87%; Trong đó: 100% các hộ dân trên địa bàn thành phố được triển khai lắp đặt công tơ điện, điện tử nhận thông báo và thực hiện thanh toán phí sử dụng điện trực tuyến; 100% hộ gia đình được triển khai mã QR trên hệ thống đồng hồ nước hỗ trợ công tác tra cứu sử dụng chỉ số hàng tháng và cách thức đăng ký thu tiền và thực hiện thanh toán tiền phí hàng tháng trực tuyến.
Bên cạnh đó, hiện nay tại thành phố Vũng Tàu, 100% các cửa hàng bách hóa tổng hợp, các nhà hàng, siêu thị có mã QR code nhận thanh toán chuyển khoản, 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn thành phố Vũng Tàu sử dụng tài khoản ngân hàng sẵn sàng nhận thanh toán trực tuyến bằng việc quét mã QR thanh toán (khoảng hơn 7.000 đơn vị); Khoảng 30% tỷ lệ các doanh nghiệp này sử dụng mã QR tích hợp trực tiếp lên các hóa đơn tính tiền (mỗi biên lai tính tiền sẽ tích hợp 01 mã QR người dùng chỉ quét kiểm tra thông tin và xác nhận thanh toán); 100% các siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố đều quầy thanh toán trực tuyến và có website thương mại điện tử đồng thời có chính sách 3 khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến (giảm 5% giá trị sản phẩm khi mua hàng trực tuyến tùy theo sản phẩm). Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 70% các khách sạn có website tên miền.vn: hiện tại trên địa bàn thành phố có hơn 7.000 doanh nghiệp trong đó khoảng 70% có Website (khoảng 4.900 doanh nghiệp) của doanh nghiệp và 30% chưa có website; Trong 70% có website thì có khoảng 2.500 doanh nghiệp sử dụng tên miền .vn số còn lại sử dụng tên miền .com.
Có thể thấy rằng, hiện nay tại thành phố Vũng Tàu, thanh toán không dùng tiền mặt đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo người dân. Trên thực tế, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã trở thành thói quen của nhiều người dân đặc biệt là khách hàng trẻ. Nếu như trước đây, mọi người luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được mọi dịch vụ. Các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và cả người bán hàng tại chợ truyền thống đã dần chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua. Trước đây thanh toán không dùng tiền mặt chỉ phổ biến trong các giao dịch mua sắm, ăn uống… thì nay cũng đã phổ biến trong lĩnh vực thanh toán hóa đơn. Hiện tại, các dịch vụ hóa đơn cũng đang triển khai hình thức thanh toán qua mã QR với số lượng giao dịch mã QR tăng.
Chị Lê Phương Hà, chủ kinh doanh mặt hàng rau củ tại chợ Vũng Tàu cho biết: “Từ sau dịch Covid-19, hầu hết khách mua hàng đều thanh toán không sử dụng tiền mặt, kể cả đơn hàng vài chục tới vài trăm. Để thuận tiện cho khách thanh toán tôi in, dán mã QR Code tại bàn, vị trí khách dễ xem nhất, hình thức thanh toán này rất tiện lợi cho cả người bán và người mua”.
Anh Lê Trung Thành – nhân viên Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (chi nhánh thành phố Vũng Tàu) cho biết: “Việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo sự minh bạch, tạo điều kiện thuận tiện, có lợi không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả đơn vị cung cấp. Đó là thuận tiện trong quá trình giao dịch hàng hoá, quản lý dòng tiền, luồng tiền... Ngoài ra các hệ thống liên quan như dịch vụ công cũng được thúc đẩy thông qua việc thanh toán điện tử; lĩnh vực quản lý thuế cũng ngày càng minh bạch hơn khi các máy bán hàng, máy thanh toán hoá đơn đều được kết nối, tích hợp với hệ thống và được kiểm soát chặt chẽ”.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu (tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả chuyển đổi số 06 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2024) thì: Chúng ta phải xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, là động lực tăng trưởng mới. Vì vậy, phải đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, trong đó chú trọng xây dựng hoàn thiện thể chế. Quá trình chuyển đổi số phải lưu ý một số nội dung, trong đó hoạt động phải đúng luật, đúng quy định; tiếp tục đẩy mạnh đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số, cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng số. Lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao hiệu lực quản lý trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phòng, chống thất thu thuế trong những lĩnh vực dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, điện tử. Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp minh bạch, kiểm soát được dòng tiền, nguồn hàng. Nếu không minh bạch thì khó kiểm soát.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh các khâu đột phá về chuyển đổi số trong thanh toán không dùng tiền mặt, UBND thành phố Vũng Tàu cũng đã yêu cầu Phòng Văn hóa và thông tin, UBND các phường, xã tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt; đề nghị các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán hoạt động trên địa bàn thành phố tiếp tục hỗ trợ cung cấp nhiều phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, như: Mã QR, Mobile Money, Viettel Money… đến các đơn vị quản lý, các cơ sở kinh doanh thương mại; hỗ trợ các đơn vị quản lý, tiểu thương kinh doanh thống nhất tạo mẫu thông tin thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ. Nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là bảo đảm tiện lợi và an toàn cho người dùng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các tiểu thương và người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt là hai nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu chuyển đổi số của thành phố Vũng Tàu./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT