angle-left null Cảnh báo dòng rip (ao xoáy) nguy hiểm, hướng dẫn tắm biển an toàn

1. Cảnh báo dòng rip (ao xoáy) nguy hiểm  

Những hiểu biết chung về dòng Rip (ao xoáy) và mức độ nguy hiểm

Dòng Rip được định nghĩa theo nghĩa rộng, đó là một luồng nước mạnh chảy theo hướng vuông góc từ bờ ra biển, tuy với kích thước rất nhỏ, nhưng tốc độ có thể đạt cực đại tới 2m/s. Với vận tốc này, trong khoảng thời gian 1 phút, dòng Rip có thể cuốn trôi người tắm biển ra khoảng 120m. Khi đó, hầu như không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ.

Với sự tồn tại của dòng Rip chảy xoáy ở các bãi tắm, người tắm biển nếu chủ quan, không hiểu biết và không nắm được cách phòng tránh thì rất nguy hiểm và dễ bị chết đuối khi bị rơi vào dòng Rip. Ở Việt Nam, vì chưa được nghiên cứu và phổ biến rộng rãi, nên dòng Rip được nhân dân các địa phương khác nhau gọi là: dòng chảy xoáy, ao xoáy, vũng nước xoáy...

2. Cách nhận biết dòng rip (ao xoáy)  

 

- Nơi có cắm cờ cảnh báo dòng Rip, ao xoáy (cờ đen, bảng cấm tắm).

- Trước khi xuống bãi biển tắm, nên dành ra 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy.

- Dòng chảy xa bờ hay dòng nước xoáy thường có các biểu hiện:

+ Có màu sẫm hơn xung quanh vì nơi đó nước sâu hơn các chỗ khác

+ Có bề mặt nước phẳng lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.

+ Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ/bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.

3. Số điện thoại cần thiết

Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch: 0254 3852 282

Tổ Hỗ trợ khách du lịch: 0254 3611988

Đài cấp cứu số 1: 0254 3855457

Đài cấp cứu số 2: 02543 855456

Đài cấp cứu số 3: 02543 855454

 
4. Hướng dẫn cách thoát khỏi dòng rip (ao xoáy)  

 - Khi tắm biển, không may rơi vào dòng Rip (ao xoáy) không nên hoảng sợ và phải hết sức bình tĩnh.

 - Cố gắng bơi thả trôi tự do xuôi theo dòng Rip để tiết kiệm năng lượng, cấm không bơi ngược dòng chống lại dòng Rip theo hướng ngược vào bờ.

 - Để thoát khỏi sự ảnh hưởng của dòng Rip, cần bơi thả lỏng để tìm thời cơ bơi lách qua trục của dòng Rip về hai phía. Sau khi thoát khỏi dòng Rip sẽ tìm cách bơi từ từ vào bờ.

 - Nếu không bơi thoát khỏi dòng Rip do dòng Rip có độ xoáy, thì phải sử dụng phương pháp bơi thả nổi hoặc bơi đứng, đồng thời kêu cứu sự giúp đỡ của những người trên bờ hoặc nhân viên đội cứu hộ, cứu nạn bờ biển chuyên nghiệp.

 - Người bị nạn, nếu cảm thấy đuối sức không có thể bơi được vào bờ thì phải kêu to và vẫy tay yêu báo hiệu cần cứu hộ khẩn cấp từ trên bờ. Nếu người bị nạn sau khi lấy lại được sự bình tĩnh hoặc sau khi dòng Rip đã yếu dần ở khu vực xa bờ, thì cố gắng bơi lách qua dòng Rip và sau đó theo hướng thẳng vào bờ, không nên hoảng sợ, vì dòng Rip sẽ chấm dứt và tiêu tán ở vùng nước sâu xa bờ.

5. Hướng dẫn tắm biển an toàn

- Khởi động vài phút trước khi xuống tắm biển. Không tắm biển khi đã uống rượu, bia, chất kích thích. Người có tiền sử bệnh tim mạch nên thận trọng khi tắm biển;

- Không tắm ở những khu vực đã được cắm cờ đen báo hiệu có ao xoáy hoặc những khu vực có biển báo, biển cấm nguy hiểm, khu vực nước sâu, sóng lớn.

- Những người không biết bơi và trẻ em dưới 13 tuổi tắm biển cần mang theo phao bơi (hoặc mặc áo phao) và phải có người trông coi và tắm cùng;

- Những người mắc bệnh tim mạch, tâm thần, kinh phong và những người say rượu, ăn quá no không nên tắm biển.

- Đoàn có đông người tắm, Trưởng đoàn cần liên hệ với các Đài cấp cứu để được hướng dẫn tắm nơi an toàn.

- Tuân thủ những quy định được niêm yết tại bãi biển (Nội quy bãi biển; Quy định tắm biển; Cảnh báo tắm biển.. do UBND thành phố Vũng Tàu ban hành) và sự hướng dẫn của nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp.

6. Quy định giờ tắm biển

Tại các bãi tắm đều có quy định thời gian tắm biển trong ngày để hạn chế việc tắm biển vào sáng sớm hoặc chiều tối của khách du lịch. Thời gian cụ thể như sau:

- Mùa Nam (từ tháng 4 đến tháng 9): Thời gian tắm biển từ 06 giờ đến 19 giờ.

- Mùa Bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau): Thời gian tắm biển từ 07 giờ đến 18 giờ.

7. Cách xử lý khi bị sâu biển đốt

Sâu biển (hay còn gọi là chuột biển hoặc rết biển). Chúng có lớp ngoài khá đáng sợ với lưng đen, bụng trắng, phủ đầy gai lông. Kèm theo cách di chuyển nửa giống sâu, nửa giống đỉa. Sâu chiều dài từ 10 đến 15cm.

Biểu hiện:

Khi chạm phải sâu biển chỗ chạm phải sẽ gây mẩn ngứa gây ra tình trạng khó chịu.

Cách xử lý:

Khi bị sâu biển đốt phải ngay lập tức đi rửa vùng da bị thương, sử dụng nước muối hoặc nước sạch để tẩy trùng lớp độc của chúng. Tuyệt đối không gãi vì có nguy cơ lan rộng vùng nhiễm độc và khiến chúng thấm sâu vào da. Ngoài ra bạn có thể sử dụng tỏi tươi đập nhuyễn đắp lên vết thương sẽ bớt đi cảm giác đau, ngứa. Nếu tình trạng bị nặng thì cần đến gặp bác sỹ.

8. Cách xử lý khi bị sứa biển đốt

Thông thường vào đầu mùa mưa (khoảng thời gian cuối tháng 4 đến tháng 5 hàng năm), trên biển xuất hiện sứa lửa (tên khoa học là Phyralia).

Biểu hiện:

Chỗ bị đốt thường sưng đỏ, có cảm giác nóng xung quanh, trường hợp nhẹ không đáng ngại nhưng nếu nặng sẽ có những triệu chứng nhức đầu, co thắt cơ bắp.

Cách xử lý

Khi bị sứa đốt ngay lập tức phải rửa kỹ vết thương bằng nước muối, có thể dùng ngay nước biển (nhưng tuyệt đối không dùng nước ngọt vì nước ngọt là chất kích thích những tế bào sứa chứa gai nhọn tiếp tục phóng độc, làm vết thương sẽ lan rộng ra hoặc bị nặng thêm). Trường hợp các xúc tu sứa còn dính trên da thì phải đeo bao tay gỡ ra. Sau đó dùng nước cốt chanh, giấm loãng, thoa đều lên vết thương nhiều lần, nọc sứa sẽ được trung hòa dần dần và vết thương sẽ dịu lại. Đa số trường hợp vết thương sẽ lành trong 1 vài ngày mà không cần đi bệnh viện điều trị./.

Nguồn: Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch thành phố Vũng Tàu