Kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2023)
Áo dài - trang phục truyền thống, niềm tự hào của người phụ nữ Việt Nam
“Dù ở đâu Pa-ris, Luân Đôn hay ở những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... Em ơi!
(Một thoáng quê hương - Từ Huy & Thanh Tùng)
Nếu như Kimono là trang phục truyền thống của Nhật Bản, Hanbok là trang phục của Hàn Quốc... thì chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Không biết tự bao giờ, áo dài là một phần văn hóa Việt, gửi gắm câu chuyện bao đời nay cũng như cốt cách dân tộc Việt: hiền hòa, giản dị, tao nhã mà cũng rất tinh tế, sắc sảo, hiện đại. Đặc biệt, tà áo dài Việt Nam không những được phụ nữ chọn dùng trong những sự kiện trang trọng, những ngày lễ, tết, cưới hỏi… mà áo dài còn được nhiều phụ nữ công sở, giáo viên, sinh viên chọn làm đồng phục.
(Nữ doanh nhân thành phố Vũng Tàu duyên dáng trong tà áo dài – Nguồn ảnh: Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Vũng Tàu)
Để tôn vinh áo dài Việt Nam, những năm qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động tuần lễ áo dài nhân dịp chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về lịch sử, giá trị của áo dài Việt Nam. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, nhất là cán bộ, hội viên phụ nữ trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa áo dài Việt Nam.
Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”, từ ngày 1 đến ngày 08-3-2023 do Hội Liên hiệp phụ nữ Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Vũng Tàu, Liên đoàn lao động thành phố Vũng Tàu phát động, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã vận động cán bộ, nữ công chức, viên chức, phụ nữ mọi lứa tuổi hưởng ứng mặc áo dài khi đến công sở, trường học, tham gia các sự kiện. Việc chị em phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng đã tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống dân tộc. Khi khoác lên mình tà áo dài duyên dáng, mỗi người phụ nữ Việt Nam đều thêm yêu và tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc mình, một trang phục mà không lẫn với bất cứ trang phục của quốc gia nào khác trên thế giới.
Hình ảnh áo dài đã trở thành thương hiệu của phụ nữ Việt và được mỗi người trân trọng, luôn mong muốn được gìn giữ. Không chỉ ở trong nước, áo dài đã được mang đến mọi quốc gia trên thế giới, tôn vinh vẻ đẹp của các chị qua việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Chính vì thế, tại nhiều quốc gia, áo dài đã xuất hiện ở những sự kiện đặc biệt như dịp lễ, Tết, những ngày kỷ niệm quan trọng của Việt Nam.
Chất liệu may áo dài cũng vô cùng phong phú. Người trẻ thường thích vải trơn, màu sáng, vải hoa in, hoa vẽ, lụa, đũi đính hoa vải. Người có tuổi thích vải lụa, nhung với hoa thêu tay, thêu công nghiệp, đính phụ kiện đá, cườm, màu tối... Có rất nhiều sự lựa chọn để diện áo dài. Áo dài xuất hiện cùng chị em như một trang phục tất nhiên, với tất cả niềm tự hào, hãnh diện về trang phục truyền thống của dân tộc. Khi mặc áo dài, mỗi phụ nữ Việt Nam đều đẹp, duyên dáng, thanh lịch hơn. Các chị em hay lưu lại những bức ảnh với áo dài là cách để lưu giữ hình ảnh chính mình trong mỗi quãng đường đời. Đây cũng là cách các chị em thể hiện tình cảm, ý thức của bản thân đối với trang phục độc đáo của dân tộc. Theo thời gian, cuộc sống ngày càng phát triển và luôn đổi thay từng ngày, chiếc áo dài đã trở nên đa dạng về kiểu cách để phù hợp với phong cách thời trang của từng giai đoạn. Dẫu thay đổi thế nào đi chăng nữa, áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền – Hội trưởng Hội phụ nữ Khu phố 4, phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu thì: Trải qua năm tháng, áo dài được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống của phụ nữ. Vẫn giữ kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, người thợ thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại được chắt lọc từ văn hóa truyền thống Việt Nam như thêu họa tiết trang trí, điểm thêm hoa văn từ trang phục của các dân tộc Việt Nam, họa tiết trống đồng... tạo nên nét riêng cho áo dài Việt Nam. Những năm gần đây, phụ nữ mặc áo dài ngày càng nhiều. Nếu như trước đây áo dài chỉ xuất hiện vào dịp lễ trọng đại thì ngày nay áo dài được phụ nữ thường xuyên mặc đi đám cưới, dự tiệc, họp lớp, đi lễ chùa, du lịch. Trong nhiều trường học, công sở, áo dài trở thành đồng phục.
Chị Nguyễn Thị Hạnh – Hội viên Hội LHPN Phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu cho biết: Tôi không mặn mà với các phong cách thời trang trẻ mà lại say mê với chiếc áo dài. Chị Hạnh khẳng định: “Tôi thấy áo dài đẹp mọi thời đại và phù hợp với từng vóc dáng, nếu biết cách chọn lựa thì càng tôn thêm vẻ đẹp của người mặc”. Có thể nói, không riêng gì chị Hạnh mà mấy năm gần đây, rất nhiều chị em chọn áo dài làm trang phục vào mỗi độ tết đến xuân về bởi nét đẹp dịu dàng, duyên dáng mà sang trọng. Họ mặc áo dài đi chùa, đi chúc tết ông bà hay dạo phố, chụp ảnh… Từ truyền thống tới cách tân, chiếc áo dài xuất hiện khắp mọi nơi. Nhờ có những kiểu dáng áo dài cách tân với họa tiết trẻ trung, cá tính và năng động mà các bạn trẻ cũng không ngần ngại rủ nhau mặc áo dài đón tết. Vào những ngày chợ tết diễn ra, từng nhóm bạn mặc áo dài để hòa vào khung cảnh nhộn nhịp ghi lại những bức ảnh thật đẹp, rồi chia sẻ lên trang mạng xã hội, vừa khoe chính mình, vừa khoe cả tà áo dài thướt tha. Áo dài đã và đang trở thành một phần của Lễ, tết, làm nên không khí lễ, tết trọn vẹn. Mặc áo dài ngày tết không phải trào lưu một sớm một chiều, mà là một biểu tượng tự hào cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Vũng Tàu thì: Chị em phụ nữ các cơ quan, đơn vị tại thành phố Vũng Tàu không chỉ tích cực hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” mà còn luôn tự tin với trang phục truyền thống của dân tộc. Bởi chiếc áo dài vừa duyên dáng lại kín đáo, phù hợp trong công sở và các sự kiện quan trọng. Hàng tuần, các chị em phụ nữ đơn vị còn tự ý thức mặc áo dài đi làm và xem như là đồng phục của cơ quan. Để mặc những chiếc áo dài đẹp, các chị em ý thức hơn trong việc rèn luyện thân thể, nghiên cứu chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo sức khỏe bản thân. Hiện nay, có khá nhiều quần áo, phong cách thời trang đang thịnh hành nhưng khi bắt gặp người phụ nữ mặc áo dài vẫn thu hút được sự chú ý của những người xung quanh và nhận được lời khen ngợi. Điều này có thể khẳng định, tà áo dài là niềm tự hào của người Việt, nét văn hóa dân tộc và góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Hướng đến kỷ niệm nhày Quốc tế Phụ nữ 08/3 năm nay, các chị em hội viên phụ nữ của thành phố Vũng Tàu đang tích cực tham gia dự thi Ảnh đẹp "Duyên dáng áo dài" do Hội LHPN Tỉnh tổ chức.
Có thể khẳng định, tà áo dài là niềm tự hào của người Việt, cũng là điểm nhấn mỗi khi du khách nước ngoài nhắc đến đất nước ta. Bởi thế, nhiệm vụ của chúng ta là phải trân quý, giữ gìn nét văn hóa dân tộc và góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, người phụ nữ thành phố Vũng Tàu duyên dáng, năng động./.
Bài: Lê Ngân, BBT