Chúng ta đang sống trong những ngày Tháng 7 đầy xúc động khi các hoạt động tri ân, tưởng nhớ công lao các thế hệ cha anh đã ngã xuống, đã cống hiến cho độc lập tự do, hòa bình của Tổ quốc được lan tỏa tại các địa phương trên cả nước. Thành phố Vũng Tàu là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Mỗi địa danh di tích đều gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân thành phố Vũng Tàu dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những di tích lịch sử cách mạng tại thành phố Vũng Tàu đã ghi lại dấu ấn oai hùng của lịch sử Vũng Tàu, những kí ức đã làm nên những trang vàng, những kí ức đổi bằng máu xương, đau thương nhưng thật hào hùng. Trong đó ghi đậm tên tuổi, chiến công của những người con từ khắp mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh để giải phóng Thành Phố Vũng Tàu thân yêu. Và một trong những di tích lịch sử để mỗi người dân thành phố, đặc biệt là thế hệ trẻ thành phố ghi nhớ đó là Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May - nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của cha ông trong trận chiến đấu giải phóng Vũng Tàu - Côn Đảo.
Đoàn phường 12 tổ chức cho các em thiếu nhi trên địa bàn phường viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May nhân dịp 27/7/2023
Chiến tranh đã qua đi qua gần nửa thế kỷ nhưng hồi ức về cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố Vũng Tàu vẫn không phai mờ. Vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, những chiến sĩ của Sư đoàn 3 Sao Vàng đã vượt cầu Cỏ May, tiến vào giải phóng Vũng Tàu. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bà Rịa-Vũng Tàu được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ phía Đông Bắc Sài Gòn của chính quyền cũ. Trước tình hình chuyển biến mau lẹ, ngày 26-4-1975, đồng chí Nguyễn Minh Ninh, Tỉnh đội trưởng Bà Rịa họp với Bộ chỉ huy Sư đoàn 3 (Sao Vàng) bàn triển khai phương án giải phóng Bà Rịa-Vũng Tàu. Cuộc tiến công được tiến hành làm 2 giai đoạn. Trận đánh cầu Cỏ May mở màn cho giai đoạn 2 của chiến dịch: giải phóng thành phố Vũng Tàu.
Theo lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu ghi lại thì Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May - nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của cán bộ chiến sĩ Đại đội 62, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng và nhân dân ấp Phước Thành trong trận chiến đấu giải phóng Vũng Tàu - Côn Đảo mùa Xuân năm 1975. Do thất bại ở Xuân Lộc nên địch rút về Vũng Tàu rất đông, muốn tiến vào Vũng Tàu chỉ có con đường bộ duy nhất là vượt cầu Cỏ May nhưng cầu lúc ấy đã bị đánh sập, 3 giờ sáng 29/4/1975, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Lê Đình Như, Sư đoàn Sao Vàng truyền lệnh cho 2 đại đội cùng hỏa lực ĐKZ vượt sông, đánh chiếm bàn đạp cho Trung đoàn 2 tiến công. Bộ đội cặp được vào bãi sú thì trời sáng, địch phát hiện và tung quân phản kích. Xe tăng, xe bọc thép địch từ các ụ ngầm ngóc đầu dậy, xả đạn 12ly7 vào đội hình của Tiểu đoàn 3 và bắn xối xả xuống mặt sông. Sư đoàn chi viện hỏa lực tối đa, đại đội thứ 3 của Tiểu đoàn vẫn không vượt sông được trước lưới đạn dày đặc của địch. Hai đại đội vượt trước sang bờ nam Cỏ May đã đào công sự, bám đước, bám bãi sú đánh phản kích suốt bảy tiếng đồng hồ. Máu các chiến sỹ Tiểu đoàn 3 loang đỏ bãi phù sa, bên dòng sông Cỏ May. Gần trưa, đội hình của Tiểu đoàn chưa phát triển lên được mặt đường, nhưng địch không đánh bật được họ khỏi bãi sú; trước tình hình đó, Trung đoàn 12 được lệnh từ hướng Cửa Lấp vượt Cầu Cháy tiêu diệt chốt phòng ngự Phước Thành, bọn địch tuyến phòng thủ Cỏ May-Cây Khế hoang mang, nhốn nháo, 65 tay súng còn lại của Tiểu đoàn đã mở đợt phản công quyết liệt, chiếm đầu cầu phía nam, yểm trợ cho các đơn vị của Trung đoàn 2 vượt sông truy kích địch.
Và ngày 29/4/1975, khi chốt phòng ngự Phước Thành bị tấn công, bọn địch trên tuyến phòng thủ cầu Cỏ May-cầu Cây Khế bắt đầu hoang mang, nhốn nháo, Tiểu đoàn 3 mở đợt phản kích quyết liệt, đội hình địch tan vỡ từng mảng, từ Cỏ May-Cây Khế rút về Vũng Tàu. Đại đội 62, tiểu đoàn 6 phục kích tại ấp Phước Thành bắn cháy 2 xe tăng và 1 xe bọc thép. Những chiếc còn lại điên cuồng xả đạn và thoát về Vũng Tàu. Hàng ngàn tên địch quăng súng trên đường chạy thoát thân. Xế trưa ngày 29/4/1975, Sư đoàn Sao Vàng tiến quân qua cầu Rạch Bà, họ tươi cười vẫy chào các chiến sỹ A32 đặc công thủy đang chốt giữ phía nam cầu. Từ đêm 28/4/1975, 20 chiến sỹ A.32, Thành đội Vũng Tàu đã từ Gò Găng vượt sông Dinh tiêu diệt trung đội lính thủy đánh bộ ngụy, chiếm giữ phía nam cầu Rạch Bà lúc 3 giờ sáng ngày 29/4. Họ đã gỡ khối thuốc nổ 125kg địch cài sẵn để phá cầu. A32 đã chiến đấu liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ, đánh lùi hàng chục đợt phản kích của địch, bảo vệ vững chắc trận địa, giữ cây cầu cho quân chủ lực tiến vào, 5 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong đợt phản kích của đám tàn quân ngụy từ Cỏ May-Cây Kế mở đường máu rút về Vũng Tàu. A32 là đơn vị đặc công thủy được quân khu tăng cường cho Vũng Tàu từ năm 1968, xây dựng căn cứ ở Rừng Sác (Long Sơn), làm bàn đạp đánh sâu vào hậu cứ địch. A32 đã được tặng 24 Huân chương chiến công và Quân công cho đơn vị và gần trăm Huân chương chiến công cho các chiến sỹ về thành tích đánh tàu, đánh cảng, đánh cầu trên chiến trường Bà Rịa-Vũng Tàu.
Với nhiều người dân thành phố Vũng Tàu, ký ức về trận cầu Cỏ May ngày ấy sẽ không thể nào quên. Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 2) là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần kiên cường và quyết tâm giải phóng thành phố Vũng Tàu. Gần nửa cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn đã nằm lại bờ sông Cỏ May, trong số đó có rất nhiều chiến sỹ trẻ, quê các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, vừa nhập ngũ mới hơn một tháng, được đưa về cảng Hải Phòng, xuống tàu hải quân vào Quân cảng Cam Ranh, bổ sung cho Sư đoàn trên đường hành quân vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1985, nhân kỉ niệm 10 năm ngày giải phóng, Ủy ban Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo đã chỉ đạo xây dựng tấm bia đặt tại đầu cầu Cỏ May để ghi công và tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong trận đánh quyết định của cuộc tổng tiến công và nổi dậy thần tốc, giải phóng hoàn toàn thành phố Vũng Tàu song vị trí, kích thước và không gian chưa thật tương xứng. Năm 2007, ở đầu cầu Cỏ May mới, cũng chính là trận địa bờ sông của Tiểu đoàn 3 năm xưa, cạnh quốc lộ 51, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho xây dựng Tượng đài chiến thắng cầu Cỏ May. Công trình tọa lạc tại khu đất rộng 1.500m2, tượng đài cao hơn 11m, bia tưởng niệm, phòng truyền thống, có khuôn viên, ghế đá cho khách ngồi nghỉ chân.
Đầu năm 2023, thành phố Vũng Tàu đã đầu tư kinh phí để cải tạo sửa chữa Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May. Để di tích được gìn giữ và bảo tồn, thành phố đã cho xử lý vết nứt bức tường phù điêu phía sau, đắp lại các vị trí vữa bị bung, bể bằng xi măng trộn sika, vệ sinh và Sơn lại tượng Chiến sỹ và bức phù điêu phía sau. Mài và đánh bóng bàn thờ bằng đá hoa cương; Cạo bả, sơn lại toàn bộ bồn hoa xung quanh (cả thành trên bồn hoa) khuôn viên và tường rào phía giáp nhà dân bị bong tróc, rêu mốc, ố màu; Xử lý các khu vực bị lún, Lát lại nền gạch Terrazzo ở một vài vị trí bị bong tróc; Đục, xử lý lớp bữa bung rộp và chống thấm nhà vệ sinh. Thay mới thùng đốt vàng, đáng bóng ghế đá mài trong khuôn viên; Sửa chữa các hư hỏng cổng chính và đánh bóng lại cổng Inox.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Vũng Tàu luôn trân trọng, gìn giữ di tích lịch sử Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May. Đây cũng là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho các bạn trẻ. Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May đã khẳng định là một địa chỉ, một điểm đến mang ý nghĩa tri ân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của Đảng bộ và nhân dân thành phố Vũng Tàu, nơi giáo dục cho thế hệ trẻ tại thành phố Vũng Tàu về truyền thống bất khuất và tinh thần yêu nước của cha ông. Đây còn là nơi ghi lại dấu ấn oai hùng của lịch sử Vũng Tàu, những kí ức đã làm nên những trang vàng, là kí ức đổi bằng máu xương, đau thương nhưng thật hào hùng. Trong đó ghi đậm tên tuổi, chiến công của những người con từ khắp mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh để giải phóng Thành Phố Vũng Tàu thân yêu.
Nhân dịp Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), những ngày qua, nhiều địa phương, trường học tại thành phố Vũng Tàu đã tổ chức cho cán bộ công nhân viên và các em học sinh dâng hương, hoa tại các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố trong đó có Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May để giáo gục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May là địa chỉ mang ý nghĩa tri ân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của Đảng bộ và nhân dân thành phố Vũng Tàu, nơi giáo dục cho thế hệ trẻ tại thành phố Vũng Tàu về truyền thống bất khuất và tinh thần yêu nước của cha ông.
Khi được hỏi về cảm nhận được đến thăm Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May thành phố Vũng Tàu, em Lê Phương Thảo – Đoàn phường 12, thành phố Vũng Tàu cho biết: "Khi được cùng các bạn đoàn viên thanh niên thăm Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May, em cảm thấy tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên có di tích lịch sử, nơi thế hệ cha anh trải qua những ngày tháng gian lao nhưng vô cùng vẻ vang để giành độc lập dân tộc, giải phòng quê hương thành phố Vũng Tàu, để chúng em có được những ngày tháng tươi đẹp như hôm nay".
Bác Hoàng Văn Thao, Hội cựu chiến binh phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu chia sẻ: Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của cha ông trong trận chiến đấu giải phóng Vũng Tàu - Côn Đảo, nơi giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, là trách nhiệm cần được gìn giữ của người dân thành phố Vũng Tàu, nhất là thế hệ trẻ. Việc tổ chức giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương cho các tầng lớp nhân dân nhân, cho các bạn đoàn viên thanh niên nhân các ngày lễ lớn của dân tộc là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho tuổi trẻ thành phố Vũng Tàu chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử và tự hào về những giá trị truyền thống ở quê hương mình.
Hôm nay đây, Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May thành phố Vũng Tàu đã trở thành địa chỉ đỏ trong cuộc chiến tranh giải phóng quê hương. Nhân dân thành phố Vũng Tàu, thế hệ hôm nay vẫn không quên những ngày tháng lịch sử đó. Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May hàng năm vào các ngày lễ, Tết, chính quyền và nhân dân địa phương, các Trường học trên địa bàn thành phố đến đây thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự bình yên của thành phố, của đất nước. Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May đã ghi lại dấu ấn oai hùng của lịch sử Vũng Tàu, những kí ức đã làm nên những trang vàng, những kí ức đổi bằng máu xương, đau thương nhưng thật hào hùng. Trong đó ghi đậm tên tuổi, chiến công của những người con từ khắp mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh để giải phóng thành Phố Vũng Tàu thân yêu. Chính vì thế mà mỗi người dân thành phố Vũng Tàu nên trân trọng và gìn giữ những di tích lịch sử oai hùng và di tích Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May của thành phố./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT