Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị cấp bách, trọng tâm cần phải quan tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Thực hiện giải ngân đầu tư công cũng nhằm đảo đảm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; tăng cường công tác quản lý đầu tư công, phấn đấu đạt 100% tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.
6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công. Các ngành, địa phương đã kịp thời phân bổ, triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022; chủ động tổ chức thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả giải ngân 06 tháng đầu năm của tỉnh chưa đạt so với yêu cầu, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 6 năm 2022: 3.107.682 triệu đồng, chỉ đạt 22,97% so với kế hoạch giao, trong đó, thanh toán vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài là: 118.786 triệu đồng, đạt 12,55% so với kế hoạch giao, thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 là: 2.988.896 triệu đồng, đạt 23,76% so với kế hoạch giao. Nguyên nhân được xác định là do công tác chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện có lúc có nơi còn chưa kịp thời, chưa nắm chắc tình hình, chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện cho từng dự án; năng lực một bộ phận quản lý cấp dưới còn hạn chế, né tránh, sợ trách nhiệm...; công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, không bám sát khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án, chuẩn bị dự án còn sơ sài, chưa tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công, nhất là quy định về sự phù hợp với các loại quy hoạch; giá nguyên, nhiên, vật liệu, phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà thầu…; khó khăn nhất vẫn là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, ảnh hưởng đến việc cân đối và hoàn thành dự án theo tiến độ.
Việc hoàn thành các công trình đầu tư công mang lại nhiều hiệu quả, tiện tích cho người dân trên địa bàn
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phê duyệt kế hoạch đầu tư công năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 30/8/2022 về việc tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. Theo đó, Tỉnh chỉ đạo các nội dung về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2022 đối với các ngành, địa phương, chủ đầu tư các công trình đầu tư công; yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện, lập kế hoạch và cam kết tiến độ thực hiện, khởi công và giải ngân cho từng dự án từ đây đến 6 tháng cuối năm 2022, trong đó nêu rõ tiến độ công việc hàng tuần, hàng tháng, bảo đảm khởi công các công trình và giải ngân vốn đầu tư công được bố trí trong năm theo đúng quy định. Các ngành phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án và kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành giải ngân theo kế hoạch đề ra. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ đầu tư được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án giao thông kết nối (đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4, đường 991B, cầu Phước An, đường ven biển 994…) phải tập trung thực hiện theo đúng tiến độ đề ra, báo cáo ngay Ủy ban nhân dân tỉnh khó khăn, vướng mắc để xử lý kịp thời.
Về lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng các dự án đã bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 bảo đảm chất lượng; tuân thủ các quy hoạch đã được phê duyệt. Các cơ quan chuyên ngành hướng dẫn, tạo mọi điều kiện hỗ trợ thủ tục cho các đơn vị Chủ đầu tư sớm thẩm định, trình phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán để sớm khởi công công trình.
Đối với việc bồi thường giải phóng mặt bằng, các cơ quan phải bảo đảm thực hiện giải phóng mặt bằng dứt điểm trong phạm vi gói thầu để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây lắp và phù hợp với khả năng nguồn vốn phân bổ cho dự án. Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, các địa phương và các Chủ đầu tư phải kịp thời báo cáo và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý những vướng mắc vượt thẩm quyền..
Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Thọ yêu cầu «các ngành, địa phương và các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên. Ngành Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư công nhằm thúc đẩy tiến độ theo kế hoạch đề ra. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư xác định rõ nguyên nhân, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn không đạt trên 90% kế hoạch. Ngành Nội vụ chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp».
Bài, ảnh: Phan Thảo, BBT