Xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn là quá trình nâng cao chất lượng sống toàn diện cho người dân, đặc biệt về môi trường an ninh, trật tự. Tại thành phố Vũng Tàu, việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã và đang trở thành một tiêu chí xuyên suốt, góp phần củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền địa phương, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các chương trình mục tiêu quốc gia về NTM, nhất là tại xã Long Sơn – địa bàn duy nhất mang tính chất nông thôn của thành phố.
Năm 2024 ghi nhận những kết quả nổi bật từ nỗ lực của lực lượng công an địa phương khi số vụ phạm pháp hình sự giảm 8% so với năm trước, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Các tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, truyền thông cơ sở, an toàn thông tin… đều đạt tỷ lệ cao, tạo ra một môi trường sống hiện đại, an toàn và thân thiện cho người dân vùng nông thôn duy nhất của Vũng Tàu.
An ninh – Trật tự: Tiêu chí then chốt được giữ vững
Xác định rõ vai trò của an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới, công an các phường, xã trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong đó, lực lượng công an xã Long Sơn – địa bàn thực hiện chương trình NTM nâng cao – thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Kết quả đạt được trong năm 2024 rất ấn tượng: tội phạm trật tự xã hội giảm 8% so với năm 2023; an toàn giao thông được Bộ Công an, Công an tỉnh BRVT đánh giá đạt kết quả tốt; các vụ việc phức tạp được xử lý dứt điểm tại chỗ. Chính sự chủ động từ cơ sở đã giúp Vũng Tàu không chỉ giữ vững danh hiệu “đô thị du lịch an toàn” mà còn là hình mẫu trong thực hiện tiêu chí 19.2 về an ninh – trật tự trong xây dựng NTM.
Công nghệ thông tin – bệ phóng cho chính quyền hiện đại
Đáng chú ý, xã Long Sơn đã hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo Quyết định 211/QĐ-TTg sửa đổi. Với 33 máy tính phục vụ 33 cán bộ công chức (đạt 100%), hệ thống phần mềm hành chính điện tử như iDesk, thư điện tử công vụ, một cửa điện tử được vận hành hiệu quả. Trong năm 2024, Long Sơn đã tiếp nhận và giải quyết 2.485/3.854 hồ sơ hành chính theo hình thức trực tuyến, đạt tỷ lệ 64,48%.
Ngoài ra, xã Long Sơn cũng thiết lập wifi miễn phí tại UBND và Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng, đồng thời triển khai hệ thống phát thanh thông minh phủ khắp 81/81 tổ dân cư. Hệ thống cáp quang internet và truyền hình mặt đất, truyền hình internet đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng, góp phần nâng cao nhận thức và tính chủ động tham gia các phong trào xây dựng địa phương.
Đồng thuận của Nhân dân – Động lực thúc đẩy bền vững
Công tác tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới là bước đi quan trọng để đánh giá hiệu quả thực hiện. Kết quả cho thấy, 99,81% người dân Long Sơn đồng thuận với các nội dung đã và đang triển khai. Đây không chỉ là chỉ số hài lòng, mà còn là minh chứng cho sự gắn kết giữa chính quyền và người dân – yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình xây dựng NTM nâng cao.
Ứng dụng công nghệ trong điều hành, truyền thông cơ sở, xã Long Sơn hiện là hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Song, quá trình lấy phiếu cũng đối mặt với không ít thách thức như địa bàn rộng, người dân đi làm ban ngày, thời gian thực hiện cận cuối năm. Tuy vậy, với tinh thần trách nhiệm cao, các tổ điều tra phiếu đã chủ động đến từng hộ vào buổi tối, nhiều khi phải quay lại nhiều lần để đảm bảo đầy đủ và khách quan.
Long Sơn – điển hình xây dựng NTM nâng cao
Từ việc ứng dụng công nghệ trong điều hành, truyền thông cơ sở, đến sự quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xã Long Sơn hiện là hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại thành phố Vũng Tàu. 100% cán bộ được tập huấn kỹ năng số và an toàn thông tin; hơn 77,9% người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức số cơ bản.
Sản phẩm OCOP như “giỏ bán nguyệt đan lục bình” của Hợp tác xã Hồng Lan được đưa lên sàn thương mại điện tử buudien.vn – là minh chứng rõ ràng cho việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và chuyển đổi số. Ngoài ra, Long Sơn cũng đang đẩy mạnh quảng bá hình ảnh trên nền tảng số như Zalo OA xã, nhóm Zalo thôn…, góp phần lan tỏa giá trị địa phương một cách hiện đại, sáng tạo.
Các đề xuất và hướng phát triển tiếp theo
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến người dân và kết quả kiểm tra, thành phố Vũng Tàu đề xuất tập trung vào các giải pháp thiết thực như:Đảm bảo cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ổn định; Tăng cường chiếu sáng giao thông nông thôn, cải thiện hạ tầng kỹ thuật; Hỗ trợ việc làm gắn với thực tiễn địa phương nhằm nâng thu nhập; Đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng thông minh, nâng cao kỹ năng số cộng đồng; Tăng cường tuần tra, ngăn chặn tội phạm vặt, tín dụng đen và hỗ trợ người dân xử lý thủ tục hành chính nhanh gọn.
Có thể khẳng định, việc bảo đảm tốt an ninh, trật tự và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đang là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới tại thành phố Vũng Tàu, đặc biệt là xã Long Sơn. Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các tiêu chí kỹ thuật, thành phố đã thành công trong việc khơi dậy tinh thần đồng thuận, chủ động của người dân – yếu tố mang tính quyết định trong mọi công cuộc đổi mới.
Định hướng đến năm 2025, Vũng Tàu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, trong đó tập trung vào chuyển đổi số toàn diện, bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở, và phát triển kinh tế nông thôn gắn với khai thác tiềm năng địa phương. Thành phố không chỉ nỗ lực về đích NTM mà còn xây dựng được một hình mẫu phát triển nông thôn hiện đại, an toàn, văn minh, xứng đáng là “điểm sáng” trong bản đồ nông thôn mới của cả nước./.
Bài, ảnh: Việt Bách, BBT