Chung tay vì một “Thành phố không rác thải nhựa”.
Có thể thấy rằng hiện nay, việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần khá phổ biến trong đời sống hàng ngày. Chỉ cần ra chợ là gặp ngay hình ảnh các bà nội trợ xách trên tay từng túi ni lông đựng rau, thịt, cá…còn tại các cửa hàng bán hoa quả thì nước ép hoa quả cũng được đóng vào những hộp nhựa nhìn rất bắt mắt. Chính vì sự tiện lợi của những chiếc túi ni lông, những chai lọ nhựa cùng với việc giá thành rẻ nên tại các cửa hàng bán rau, đồ ăn, hoa quả… đều lựa chọn để đóng hàng cho khách. Vì đó mà vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, với tính chất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên, mỗi túi nilon để phân hủy được ngoài môi trường có thể mất từ 500 đến 1.000 năm. Thành phố Vũng Tàu có hơn 527 ngàn dân với lượng rác phát thải 358 tấn/ngày, chiếm hơn 1/3 lượng rác thải sinh hoạt toàn tỉnh. Thành phố luôn hướng đến mục tiêu “không rác thải nhựa” để xây dựng Vũng Tàu trở thành đô thị văn minh, sạch đẹp, thân thiện môi trường.
(Tuổi trẻ thành phố Vũng Tàu chung tay vì một “Thành phố không rác thải nhựa”)
Nhiều du khách đến với thành phố Vũng Tàu đều đánh giá Vũng Tàu là thành phố xanh – sạch – đẹp. Vũng Tàu là một thành phố biển, trẻ, năng động, giàu tiềm năng phát triển và được công nhận là “thành phố sạch ASEAN” vào đầu năm 2020. Sau khi khảo sát và làm việc với lãnh đạo thành phố Vũng Tàu hồi tháng 5/2021, Quỹ sáng kiến phát triển các thành phố châu Á (CDIA) đã cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho thành phố Vũng Tàu để thực hiện dự án “Thành phố không rác thải nhựa”. Và ngày 30/11/2021 vừa qua, UBND thành phố Vũng Tàu phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Tổng Cục Môi trường (Bộ TN-MT) tổ chức hội thảo “Phương pháp tiếp cận đa bên – Chìa khóa thành công của nền kinh tế tuần hoàn”. Hội thảo có sự tham gia các đại biểu đến từ Bộ TN-MT, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, các chuyên gia, cố vấn đến từ Quỹ Sáng kiến Phát triển các Thành phố Châu Á (CDIA) và Liên minh Chấm dứt chất thải nhựa. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung và giải pháp về quản lý, xử lý chất thải nhựa như: Những sáng kiến toàn cầu và quan hệ đối tác nhằm phát triển kinh doanh bền vững trong khu vực ASEAN; chương trình đặt cọc hoàn trả - một công cụ hiệu quả trong việc tăng tỷ lệ thu gom rác bao bì; biến rác thải đại dương thành cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn; những cách tiếp cận sáng tạo của địa phương nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại thành phố Vũng Tàu.
Trước vấn đề đó, để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông đang trở thành vấn đề cấp bách đòi hỏi mỗi người dân và du khách đến với thành phố Vũng Tàu cần nâng cao ý thức trong việc giảm thiểu việc tiêu thụ các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần để tránh gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người vì các sản phẩm từ nhựa như: túi ni lông, cốc nhựa, ống hút dùng một lần, hộp xốp hay nước đóng chai nhựa… chủ yếu được tái chế từ nhựa đã qua sử dụng. Do vậy, một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa bao gồm: chất hoá dẻo, phẩm màu, chì, cadimi,… trong quá trình đựng đồ ăn, thức uống sẽ bị thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó hấp thu vào cơ thể người. Nếu sử dụng thường xuyên thì các hóa chất này sẽ tích tụ và có thể gây ra một số bệnh như: ung thư, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, thay đổi nội tiết tố…bên cạnh đó, hậu quả của rác thải nhựa, túi ni lông gây ô nhiễm môi trường nặng nề và là điều kiện để cho các loại dịch bệnh sinh sôi và phát triển.
Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, các phường, xã tại thành phố Vũng Tàu cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với môi trường, sinh vật và sức khỏe con người. Đồng thời, phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” tại cộng đồng. Từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần. Khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thay thế như sử dụng lá chuối, lá rong, lá sen để gói rau, gói thịt…sử dụng các hộp giấy thay thế cho hộp nhựa dùng một lần để đựng đồ ăn, thức uống, ống hút bằng giấy hoặc sử dụng túi ni lông sinh học có thể phân hủy trong vòng 12 tháng.
Được biết những năm qua, tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã ưu tiên sử dụng chai thủy tinh thay thế cho chai nhựa đựng nước trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của cơ quan, đơn vị. Các địa phương đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với nhiều chương trình, mô hình mới, sáng tạo nhằm lan truyền mạnh mẽ mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường. Mỗi người dân đã và đang nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…
Theo ông Vũ Hồng Thuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu thì: Để hướng tới mục tiêu trở thành “Thành phố không rác thải nhựa”, trong các tiêu chí ở giai đoạn mới, thành phố Vũng Tàu bổ sung chỉ tiêu cụ thể về giảm rác thải nhựa, túi nilon cần đạt được tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây sẽ là hoạt động xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Hội thảo “Phương pháp tiếp cận đa bên – Chìa khóa thành công của nền kinh tế tuần hoàn” thực sự là cơ hội để các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, truyền thông chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận để xây dựng các định hướng, các giải pháp cụ thể, hữu ích, phù hợp để phong trào chống rác thải nhựa tại thành phố Vũng Tàu dần đi vào thực tiễn, bền vững...
Có thể thấy rằng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Vì một “Thành phố không rác thải nhựa”, mỗi người dân tại thành phố Vũng Tàu hãy bắt đầu từ việc nói không với túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa khó phân hủy, chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu của chúng ta, để tạo môi trường thân thiện, Xanh - Sạch - Đẹp./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT