Đổi mới và số hóa công tác báo chí
Trong thời đại công nghệ 4.0, báo chí địa phương đang tận dụng công nghệ số để cải thiện khả năng tiếp cận và tính minh bạch trong cung cấp thông tin. Thành phố Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới đáng chú ý. Cụ thể là tổ chức số hóa thông tin và hạ tầng công nghệ qua xây dựng hệ thống Cổng thông tin điện tử với gần 3.600 tin, bài được đăng tải trong ba năm qua. Đây là nền tảng chính thức để cung cấp thông tin chính thống về các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Đồng thời, các fanpage song ngữ của Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch Vũng Tàu cũng cung cấp thông tin kịp thời cho du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các nhóm Zalo “Tin tức Vũng Tàu” được thành lập nhằm xây dựng một cộng đồng tương tác tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin. Qua đó, chính quyền thành phố có thể truyền tải các nội dung quan trọng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Song song đó, thành phố còn chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thông qua các lớp tập huấn hằng năm. Nội dung các lớp học tập trung vào kỹ năng phát ngôn, xử lý khủng hoảng truyền thông, viết và biên tập tin, bài để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh truyền thông số hóa.
Hỗ trợ cơ quan báo chí đổi mới công nghệ
Thành phố đã thể hiện sự đồng hành với các cơ quan báo chí thông qua việc hỗ trợ đổi mới công nghệ và phương thức hoạt động. Trong gần 5 năm trở lại đâym Thành phố hợp tác với các cơ quan báo chí để phát triển các chuyên trang và chương trình truyền hình chất lượng cao như “Thành phố Vũng Tàu hội nhập và phát triển” hay “Góc nhìn Vũng Tàu”. Những chương trình này không chỉ nâng cao chất lượng nội dung mà còn sử dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khán giả.
Các sản phẩm truyền thông số hóa của thành phố, từ bài viết, hình ảnh đến video, đều tập trung vào việc quảng bá tiềm năng và thế mạnh địa phương. Nội dung được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các kênh truyền thông khác nhau, từ báo in, báo điện tử đến mạng xã hội.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho báo chí, thành phố cũng phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an thành phố để kiểm soát và xử lý thông tin giả mạo trên mạng xã hội, đảm bảo môi trường truyền thông lành mạnh.
Nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại
Chuyển đổi số không chỉ giúp cải thiện truyền thông nội địa mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận ra quốc tế, góp phần thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại. Để quảng bá hình ảnh thành phố với bạn bè quốc tế, Thành phố đã thực hiện các phim quảng bá du lịch và đưa tin trên các kênh truyền thông quốc tế như Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố Châu Á – Thái Bình Dương (TPO). Nội dung nhấn mạnh vào những giá trị văn hóa, thiên nhiên đặc sắc của Vũng Tàu, giúp nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ du lịch quốc tế.
Cùng với đó, công tác phát triển hạ tầng số cho thông tin đối ngoại được quan tâm qua viêc sử dụng các nền tảng truyền thông trực tuyến, thành phố đã đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá bằng nhiều ngôn ngữ, nhằm tiếp cận tối đa các nhóm đối tượng ở nước ngoài. Ví dụ, các fanpage du lịch bằng tiếng Anh đã trở thành công cụ hữu hiệu để kết nối với cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, thành phố còn thúc đẩy hợp tác truyền thông quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí lớn trong và ngoài nước để thực hiện các dự án truyền thông đối ngoại.
Thách thức và giải pháp
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, quá trình chuyển đổi số trong báo chí và truyền thông tại Vũng Tàu cũng đối mặt với không ít thách thức. Một số vấn đề như sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội gây khó khăn trong kiểm soát, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao về công nghệ, hay hạn chế về ngân sách đều là những trở ngại cần khắc phục.
Để vượt qua những thách thức này, thành phố cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: Phát triển thêm các công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để quản lý và xử lý thông tin hiệu quả hơn; Mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để tận dụng nguồn lực xã hội hóa trong chuyển đổi số; Thực hiện các chiến dịch giáo dục về tầm quan trọng của thông tin chính thống và kỹ năng nhận diện tin giả.
Chuyển đổi số trong báo chí và truyền thông không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thành phố. Những nỗ lực không ngừng trong đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng truyền thông không chỉ giúp thành phố đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao mà còn tạo điều kiện quảng bá hình ảnh địa phương đến với cộng đồng quốc tế.
Bài: Minh Khuê, BBT