angle-left null Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Đại hội XIII của Đảng đã đề cập, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan và cần có lộ trình, bước đi thích hợp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”. Hay theo “Cẩm nang chuyển đổi số” của Bộ Thông tin và truyền thông thì Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Tại sao nên thực hiện chuyển đổi số?

Quy trình chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất trong quá trình làm việc, giảm tối đa chi phí mà còn đem lại một không gian làm việc phát triển mới, tạo nên những giá trị mới bên cạnh những giá trị truyền thống đã có.

Chuyển đổi số trên thực tế là quá trình khách quan, là xu hướng tất yếu của thời đại, dù muốn hay không thì quy trình chuyển đổi số vẫn sẽ xảy ra và cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Cuộc sống là không ngừng biến đổi và vận động. Mỗi người cũng sẽ cần phải không ngừng thay đổi chính bản thân mình, tìm cách thích nghi, nếu không chắc chắn sẽ bị bỏ lại ở phía sau.

Do đó, có thể thực hiện quy trình chuyển đổi số ngay lập tức bằng cách là chuyển đổi về nhận thức, tư duy, sau đó sẽ thực hiện dần dần chuyển đổi phương thức sống, cách thức quy trình làm việc và phương thức sản xuất dựa trên những ứng dụng công nghệ số mới nhất.

Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và Tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 được Chính phủ tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 tình, thành

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) và Tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trên thực tế, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu là yêu cầu khách quan; chuyển đổi số có tầm quan trọng đối với quốc gia và thế giới, chính vì vậy hiện nay chúng ta không thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề này. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh,...

Đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ngày 10/10, số 1 và 0 là 2 số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ căn bản của máy tính và là hình ảnh tượng trưng kinh điển cho công nghệ thông tin trước đây và công nghệ số của thời đại ngày nay.

Việc tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, thông qua các nền tảng số “Make in Việt Nam”. Định hướng chuyển đổi số quốc gia xuyên suốt trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Qua đó, hướng tới cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) lên môi trường số.

Cơ hội bứt phá

Chiều 21/12/2020, Trung tâm điều hành đô thị thông minh (ĐTTM -OC) thành phố Vũng Tàu chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ số 45, Bacu, phường 1, TP. Vũng Tàu. Theo ông Hoàng Vũ Thảnh - Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm OC nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… Trung tâm OC cũng tạo ra kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, giữa chính quyền và người dân, DN và tổ chức nhằm phục vụ, lắng nghe phản hồi của người dân để xử lý, điều chỉnh kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội hướng đến mục tiêu TP. Vũng Tàu sẽ trở thành ĐTTM vào năm 2025.

Phát biểu tại Hội nghị chuyển đổi số trong ngành giáo dục, sáng ngày 29/12/2022, ông Vũ Hồng Thuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết: “Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì việc chuyển đổi số vẫn diễn ra và đang diễn ra. Nó mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng còn nhiều thách thức. Để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để Nghị quyết Chuyển đổi số của tỉnh và thành phố đi vào cuộc sống, lãnh đạo thành phố Vũng Tàu luôn thống nhất quan điểm trong suốt quá trình thực hiện, trong đó, lãnh đạo thành phố Vũng Tàu luôn quan tâm tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của chuyển đổi đối với 03 trụ cột chính là chính quyền số, xã hội số và kinh tế số và đã tổ chức nhiều hội nghị về chuyển đổi số, trong đó tháng 11 vừa qua, thành phố Vũng Tàu triển khai Hội nghị kết hợp triễn lãm chuyển đổi số trong du lịch, quản lý các khu chung cư và đô thị trên địa bàn thành phố Vũng Tàu”.

Thành phố Vũng Tàu đã khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh

Tại thành phố Vũng Tàu, xác định công tác chuyển đổi số là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng, do đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Vũ Hồng Thuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố, công tác chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng là một những nhiệm vụ mà thành phố Vũng Tàu cũng đang tập trung đẩy mạnh và mong muốn ngành giáo dục và đào tạo sẽ là ngành tiên phong, đi đầu về chuyển đổi số, thành phố Vũng Tàu nhận thấy đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết, là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục, các chuyên gia giải pháp và những người quan tâm cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau đặt ra những cơ hội và thách thức, giải pháp giải quyết các vấn đề thực trạng và nâng cao chất lượng công tác Chuyển đổi số trong giáo dục trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo hiện nay.

Bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, ông Vũ Hồng Thuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu đồng chủ trì Hội nghị chuyển đổi số trong ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm”.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, với nhiều tính năng, tác dụng rất hiện đại của các trang thiết bị, máy móc khác nhau, nếu mỗi người, nhất là người đứng đầu DN, cơ quan, đơn vị, địa phương không tích cực, chủ động thay đổi thói quen cũ, đưa công nghệ số vào thực tiễn công việc thì không thể có những bước đột phá trong phát triển KTXH, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cải thiện đời sống của nhân dân. Vì vậy, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số là việc cần làm ngay.

Song song đó, việc chuyển đổi số phải được diễn ra toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, y tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại… Trong đó, tập trung ưu tiên những ngành, lĩnh vực có khả năng chuyển đổi số nhanh, trọng điểm, mũi nhọn, tạo ra ưu thế, năng suất đem lại hiệu quả cao, như: Giáo dục - đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp…

Đồng thời, tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, DN hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả…

“Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, DN; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

 

Bài, ảnh: Tấn Lâm, BBT