angle-left null Duy trì khả năng bảo vệ từ những mũi vắc xin nhắc lại trong phòng, chống Covid-19

Theo báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế, tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19; tiêm vaccine Covid-19 để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.

Việt Nam cơ bản đã kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế- xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vi rút SAR-CoV-2 gây dịch COVID-19 vẫn đang liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới. Trên thế giới đã ghi nhận trên 500 biến thể khác nhau, gần nhất là sự xuất hiện của XBB.1.5, một dòng phụ của biến thể Omicron với khả năng lây lan nhanh chóng.

Chủng ngừa vắc xin COVID-19 hiện đang là biện pháp dự phòng quan trọng và hiệu quả nhất đối với mỗi cá nhân nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Tuy vậy, khả năng bảo vệ của vắc xin ngừa COVID-19 giảm dần theo thời gian. Người đã tiêm vắc xin sau hơn 6 tháng khả năng bảo vệ chỉ còn dưới 60%. Do đó nếu cộng đồng không được tiêm mũi nhắc lại thì độ bao phủ của vắc xin sẽ xuống thấp dưới ngưỡng bảo vệ; bên cạnh đó với sự xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 lây lan nhanh, độc lực mạnh thì nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất lớn và dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Thành phố Vũng Tàu đang chỉ đạo lực lượng y tế tiêm vắc xin COVID-19 (mũi 3, mũi 4,…) cho nhân dân

Để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân hãy tích cực chủ động tham gia tiêm chủng vắc xin COVID-19 (mũi 3, mũi 4,…) đúng lịch, đủ mũi, đủ liều để duy trì nồng độ kháng thể, giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19.

Ngày 20/02/2023 Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương - Bộ Y tế đã ban hành văn bản đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong đó đề nghị quan tâm, chỉ đạo Tổ Truyền thông, Giáo dục sức khỏe phối hợp với phòng y tế, ngành giáo dục, các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, khu phố/thôn/ấp,… tăng cường công tác truyền thông để vận động người dân tích cực tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Các đơn vị linh hoạt triển khai đa dạng nhiều hình thức với các nội dung cụ thể như sau: Phát thông điệp tuyên truyền vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch trên hệ thống loa phát thanh tại các tuyến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Tổ chức các hình thức tuyên truyền trực tuyến qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Website; nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm, họp dân, tư vấn, thăm hộ gia đình, họp hội đồng bệnh nhân, người bệnh, người nhà bệnh nhân tại các cơ sở y tế, trường học, khu tập trung đông dân cư, khu trọ, nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp ... đồng thời, tham mưu các cấp lãnh đạo tham gia trong việc vận động, khuyến khích, động viên người dân, cán bộ, công nhân đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch để phòng chống dịch bệnh; chú trọng sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức các chiến dịch  truyền thông, các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng đến các nhóm đối tượng đích.

Mỗi người dân hãy tích cực chủ động tham gia tiêm chủng vắc xin COVID-19 (mũi 3, mũi 4,…) đúng lịch, đủ mũi, đủ liều để duy trì nồng độ kháng thể, giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19

Nội dung truyền thông cần tập trung vào 3 nội dung trọng tâm, bao gồm: Diễn biến dịch COVID-19: Mặc dù dịch đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn còn có khả năng lây lan nhanh do xuất hiện nhiều biến thể mới, có nhiều di chứng kéo dài và nguy hiểm sau khi bị mắc COVID-19. Vắc xin COVID-19 tăng khả năng phòng lây nhiễm COVID-19, giảm nhẹ các di chứng hậu COVID-19 và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin sau tiêm giảm dần theo thời gian, cần phải tiêm nhắc lại. Tiêm chủng phải đúng lịch, đủ mũi, đủ liều mới có tác dụng phòng bệnh.

Đối với nhóm đối tượng tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi, cần tập trung tuyên truyền cho cha mẹ, người giám hộ, giáo viên; Đối với người lớn từ 18 tuổi trở lên, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho nhóm đối tượng này ở các trường học, khu tập trung đông dân, khu trọ, nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp.

Tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19

Như vậy, cần phải khẳng định quan điểm rất rõ, đó là tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19; tiêm vaccine Covid-19 để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới. Do đó để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; đồng thời kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch Covid-19.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt thời điểm này là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, tránh để vắc xin hết hạn, gây lãng phí.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về phòng ngừa dịch bệnh; hiệu quả và sự cần thiết phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19; phối hợp với ngành y tế hướng dẫn người dân tự giác tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Rà soát, lập danh sách thành phần chưa tiêm vắc xin Covid-19 hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung, tiêm liều nhắc lại.

“Tiêm nhắc hôm nay – Lợi ích mai sau”

Bài, ảnh: Tấn Lâm, BBT