angle-left null Ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu: Nhiều nỗ lực trong chuyển đổi số, hướng tới một nền giáo dục hiện đại, phát triển

Những năm qua, ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu luôn xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu để hướng đến một nền giáo dục hiện đại, phát triển. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, của cách mạng công nghiệp 4.0 trong giáo dục đang tới rất nhanh, buộc ngành Giáo dục và đào tạo phải phát triển và theo kịp, chủ động đón nhận. Điều này nhằm mở ra triển vọng to lớn trong sự phát triển giáo dục, của nhân loại nói chung để mang lại kiến thức cho con người. Đây là xu thế của thế giới, nhiệm vụ của toàn ngành là nhanh chóng bắt kịp để phát triển. Thời gian qua, ngành GD&ĐT thành phố Vũng Tàu đã và đang tăng cường sử dụng các phần mềm, tiện ích trong quản lý và dạy học; duy trì, khai thác hiệu quả cổng thông tin điện tử tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; đăng nhập dữ liệu trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; khuyến khích giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học, sử dụng sổ liên lạc điện tử nhằm trao đổi thông tin với cha, mẹ học sinh; tổ chức các hội nghị trực tuyến, dạy học trực tuyến (nếu trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp)... Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý và dạy học, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh khai thác thông tin trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong bối cảnh cuộc cách mạng, công nghiệp 4.0, góp phần chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn thành phố Vũng Tàu.

(Một giờ học được ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, thành phố Vũng Tàu)

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía, chuyển đổi số đang ngày một “thấm sâu” vào các hoạt động giảng dạy, học tập trong các nhà trường và toàn ngành giáo dục, mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, cùng với những cơ hội thì cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu phải nỗ lực để vượt qua. Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đổi mới giáo dục, những năm qua, ngành Giáo dục và đào tạo thành phố Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng các phần mềm trực tuyến, trang thiết bị hiện đại… trong công tác quản lý và dạy học. Theo đó, hàng năm, căn cứ vào quy hoạch mạng lưới trường lớp và nhu cầu của các cấp học, Phòng GD & ĐT thành phố Vũng Tàu cùng với các nhà trường đã rà soát, xây dựng các dự án trình UBND thành phố ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho ngành giáo dục. Hằng năm, thành phố Vũng Tàu đã đầu tư nhiều tỷ đồng để mua sắm máy tính, máy in, tivi, thiết bị trợ giảng… Bên cạnh kinh phí từ ngân sách nhà nước, các nhà trường cũng chú trọng sử dụng khoản tiết kiệm chi của ngành kết hợp với vận động tài trợ của các các tổ chức, cá nhân để bổ sung trang thiết bị, tu sửa cơ sở vật chất, đáp ứng việc dạy và học của trường.

Từng bước nỗ lực chuyển đổi số, ngoài việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, ngành GD & ĐT thành phố Vũng Tàu cũng xây dựng các chương trình tập huấn nghiệp vụ về CNTT cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học. Trong đó, tập trung tập huấn sử dụng các ứng dụng hỗ trợ quản lý, dạy học do Sở GD & ĐT tỉnh triển khai như: phần mềm kế toán (MISA); hệ thống quản lý nhà trường (SMAS); cơ sở dữ liệu ngành; phần mềm soạn giáo án điện tử… Năm học 2021 – 2022 vừa qua, Phòng GD & ĐT thành phố Vũng Tàu đã cử nhiều lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên đi tập huấn nâng cao năng lực quản lý, bồi dưỡng công tác quản lý giáo dục; cử hàng trăm cán bộ, giáo viên đi tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tiếp cận các nội dung hướng tới chương trình đổi mới giáo dục phổ thông…Thông qua giải pháp trên đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhà trường, giáo viên trong việc tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng CNTT trong giáo dục, đào tạo, tập huấn các Module trực tuyến đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đại trà; chuẩn bị các điều kiện cho việc tập huấn thay sách giáo khoa lớp 3, lớp 7. Năm học 2021 – 2022 vừa qua, kết quả có 97,63% học sinh xếp loại Học lực từ trung bình trở lên tăng 3,33% so với cùng kỳ năm học trước (tỷ lệ học lực khá, giỏi là 77,45%); 99,87 % học sinh có Hạnh kiểm khá, tốt.

Chia sẻ về hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, các giáo viên mầm non tại thành phố Vũng Tàu cho rằng: “Các bài giảng điện tử có tính trực quan, sinh động và tương tác cao, giúp trẻ thêm hứng thú, tập trung. Không chỉ nghe, nhìn, học sinh còn được thực hành nội dung bài học thông qua các đoạn video sinh động, hấp dẫn, giúp các em phát triển toàn diện trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ, tình cảm. Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT cũng giúp tiết kiệm thời gian cho giáo viên và chi phí của nhà trường. Nếu trước đây, giáo viên chúng tôi phải vất vả để có thể tìm kiếm những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng, thì hiện nay, với ứng dụng CNTT, giáo viên có thể sử dụng internet để khai thác tài nguyên giáo dục phong phú, chủ động quay phim, chụp ảnh làm tư liệu cho bài giảng điện tử…”.

Sự chủ động từ mỗi giáo viên cũng chính là tiền đề quan trọng để mỗi cơ sở giáo dục thực hiện thành công chuyển đổi số. Nhiều người cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục chính là “mảnh đất” đào tạo nên thế hệ những giáo viên chất lượng. Bởi, để thích ứng với việc sử dụng công nghệ cao trong giảng dạy, đội ngũ giáo viên phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng để phát triển và nâng cao chất lượng giảng dạy...Nếu như trước kia, việc tính điểm cho học sinh được thực hiện thủ công rồi ghi chép vào sổ, khó tránh khỏi nhầm lẫn thì nay đã được thực hiện hoàn toàn trên máy, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, việc sử dụng sổ điểm điện tử thay cho học bạ giấy cũng giúp công khai, minh bạch các thông tin, hạn chế tiêu cực. Khi yêu cầu chuyển đổi số ngày càng cao, bản thân mỗi giáo viên cũng phải nỗ lực thay đổi để ứng dụng hiệu quả CNTT vào giảng dạy. Từ định hướng chuyển đổi số của ngành, bản thân các giáo viên đã và đang dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi bằng nhiều cách khác nhau, như tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu trên mạng internet, học hỏi từ đồng nghiệp... Nhiều giáo viên tại thành phố Vũng Tàu đã đầu tư phương tiện dạy học, tự trang bị laptop giúp thuận lợi hơn cho việc khai thác dữ liệu, soạn bài giảng điện tử, tổ chức giảng dạy trong môi trường số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động chuyển đổi số.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Vũng Tàu thì: Những năm qua, Phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai những nội dung thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, góp phần thích ứng với điều kiện dịch bệnh và nâng cao hiệu quả quản lý, giảng dạy. Triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành 4.0 giữa các cơ sở giáo dục với Phòng GD&ĐT thành phố Vũng Tàu và ngược lại (thay thế gmail). Phòng hướng dẫn các cơ sở giáo dục thí điểm việc ứng dụng phần mềm kế toán MISA thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ theo dõi đánh giá học sinh...) đối với lớp 6 của các trường THCS; sử dụng phần mềm SMAS phục vụ đồng bộ dữ liệu sang hệ thống tập huấn giáo viên ETEP theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT; đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm, tiện ích trong dạy học trực tuyến, thích ứng với tình hình dịch COVID-19 ...

Trong thời gian tới, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, ngành GD&ĐT thành phố Vũng Tàu sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức, ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Xây dựng các văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nhằm xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn thành phố. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin tại các cơ sở giáo dục. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao trình độ CNTT, hướng dẫn khai thác và sử dụng các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử. Khai thác hiệu quả dữ liệu ngành tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Vũng Tàu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành của Phòng GD&ĐT thành phố./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT