angle-left null Nhiều nỗ lực xóa điểm đen về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Vũng Tàu

Trước thực trạng vấn nạn ô nhiễm môi trường, UBND thành phố Vũng Tàu đang quyết liệt trong việc chỉ đạo tiếp tục triển khai nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm tại các "điểm đen" môi trường và đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua.

Thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố

Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố thì hiện nay, thành phố Vũng Tàu có 02 vấn đề ô nhiễm môi trường được gọi là điểm đen, đó là tình trạng tồn đọng chất thải rắn dọc các tuyến đường cửa ngõ vào thành phố và tình trạng ô nhiễm nước thải và mùi hôi tại các điểm cuối tiếp nhận nước thải của thành phố (khu vực hồ Rạch Bà và Cửa Lấp).

Xác định rõ được vị trí và vấn đề ô nhiễm môi trường nên trong các năm qua, thành phố Vũng Tàu đã cơ bản giải quyết tình trạng ô nhiễm chất thải rắn dọc các tuyến đường cửa ngõ vào thành phố, khu vực chân cầu Cửa Lấp và cầu Rạch Bà. Riêng về vấn đề ô nhiễm nước thải và mùi hôi tại các điểm cuối tiếp nhận nước thải của thành phố cần phải tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp để xử lý trong thời gian tới.

Công nhân thoát nước đang khơi thông dòng chảy

Đại diện Phòng tài nguyên và môi trường thành phố Vũng Tàu cũng cho biết, sở dĩ khu vực hổ Rạch Bà và khu vực Cửa Lấp bị ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua do quá trình phân hủy các chất hữu cơ, rác thải, xác thực vật có trong nước thải, lòng kênh một số khu vực bị thu hẹp. Nước thải phát sinh ở khu vực phía Bắc sân bay thành phố Vũng Tàu chưa được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra kênh. Tốc độ đô thị hóa tự phát nhanh, công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ môi trường không đáp ứng kịp. Nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận lãnh đạo, người dân, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao. Theo thống kê của UBND phường 12, hiện trên địa bàn phường có 38 cơ sở chế biến hải sản được cấp phép. Nhưng thực tế lại có rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ không được cấp phép vẫn hoạt động và không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số cơ sở có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra, lén lút xả thải ra sông.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Nhằm giúp người dân hiểu và chung tay bảo vệ môi trường, xóa các fđiểm đen về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, thời gian qua, thành phố Vũng Tàu đã tổ chức các lớp tập huấn triển khai các quy định pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực quản lý cho các tầng lớp nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường trong các ngày lễ kỷ niệm (Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6, Tháng hành động vì môi trường năm 2022, Tuần lễ biển, hải đảo, Ngày quốc tế đa sạng sinh học năm 2022,…), các buổi sinh hoạt khu phố, tổ dân phố; ngoài ra dã thành lập 111 Tổ giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường tại 111 tổ dân cư.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân không xả rác bừa bãi tại các khu vực công cộng (Ảnh: Một điểm xả rác tại khu vực đường 2/9)

Tăng cường xử lý và di dời các cơ sở chế biến hải sản khỏi địa bàn dân cư

Để quản lý môi trường trên địa bàn, không để xảy ra các vấn đề môi trường nóng trên địa bàn, giải quyết có hiệu quả các khiếu nại, phản ảnh về ô nhiễm môi trường của người dân, UBND thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn, tập trung vào các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm, các cơ sở hoạt động ven biển, trong năm 2022, đã kiểm tra đối với hơn 30 cơ sở, tham mưu xử phạt vi phạm hành chính 06 trường hợp, số tiền là 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng), đang tổng hợp hồ sơ, đề xuất xử lý các trường hợp còn lại theo quy định. Trong năm 2021, đã thu hồi 05 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không có khả năng khắc phục ô nhiễm; kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các nội dung tương tự.

Về lâu dài, các cơ sở chế biến hải sản phải di dời ra khỏi địa bàn khu dân cư. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt các trường hợp chế biến hải sản đang hoạt động trên địa bàn thành phố phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động; thành phố đang triển khai kế hoạch di dời theo lộ trình đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành việc di dời.

Lực lượng chức năng tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy đoạn kênh địa bàn phường 11

Đối với khu vực kênh Rạch Bà, lãnh đạo thành phố yêu cầu tổ chức nạo vét và thu gom rác trôi nổi trên tuyến kênh thoát nước; ngăn chặn, xử lý không để lấn chiếm lòng kênh; kiểm soát chặt các hoạt động xả thải ra kênh, cống thoát nước (nhà dân phải có công trình xử lý sơ bộ trước khi đấu nối, các cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải phải xử lý trước khi thải ra môi trường, ngăn chặn tình trạng xả rác thải xuống kênh). Còn về lâu dài để giải quyết ô nhiễm kênh Rạch Bà cần phải triển khai giai đoạn 2 hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị của thành phố để hạn chế mùi hôi trong quá trình thu gom nước thải và xử lý đạt chuẩn trước khi thải.

TP. Vũng Tàu cũng kiến nghị các cơ quan cấp tỉnh khẩn trương bố trí địa điểm để di dời các cơ sở chế biến hải sản ra khỏi địa bàn thành phố trước năm 2025; chấp thuận chủ trương và giao cho thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu và lập đề án chỉnh trang toàn tuyến kênh thoát nước trên địa bàn (xây kè, chống lấn chiếm); nghiên cứu giải pháp tách riêng nước thải đô thị không cho chảy vào các hồ điều hòa của thành phố nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm, tiến tới cải tạo thành các hồ cảnh quan kết hợp điều hòa khi có mưa; đồng thời thu hồi các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai tại khu vực Cửa Lấp…

Khó khăn, tồn tại

Từ những thực trạng nêu trên, UBND thành phố Vũng Tàu đã xác định các khó khăn, tồn tại trong thời gian qua, đó là: Tình trạng đổ trộm chất thải sinh hoạt, xây dựng vẫn còn xảy ra ở một số khu vực ít người qua lại. Ô nhiễm nước thải và mùi hôi trên hệ thống thoát nước thải đô thị, đặc biệt là các điểm cuối của hệ thống thoát nước như Khu vực hồ Rạch Bà, Cửa Lấp. Những vấn đề này thành phố Vũng Tàu sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới đảm bảo đạt kết quả.

Những việc cần thực hiện trong thời gian tới

Để giải quyết dứt điểm các điểm đen về ô nhiễm môi trường, thành phố Vũng Tàu đã xác định: Phải đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị thành phố Vũng Tàu. Quản lý có hiệu quả việc chuyển giao và thu gom rác thải phát sinh trên địa bàn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của người đứng đầu các cấp chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu các phường, xã trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó tập trung giải quyết các nguyên nhân gây ra các điểm đen về ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân thành phố, trong đó cần phát huy tính tiên phong, gương mẫu của lực lượng công chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị thành phố và các phường, xã. Quy hoạch và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị; bảo vệ, tái tạo, trồng rừng tại các khu vực có tiềm năng. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường thành phố, tập trung vào việc giải quyết các điểm đen, vấn đề môi trường cấp bách của thành phố. Tiếp tục kiến nghị và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cấp tỉnh triển khai thực hiện các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ để giải quyết dứt điểm các điểm đen về ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng đưa ra giải pháp cụ thể để xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực Rạch Bà và khu vực Cửa Lấp nhằm xóa bỏ các điểm đen về ô nhiễm trong thời gian sớm nhất.                                                                                    

Bài, ảnh: Tấn Lâm, BBT