angle-left null NLĐ sẽ bị thiệt thòi khi doanh nghiệp trốn ký hợp đồng, không tham gia BHXH

Vấn đề hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước để giúp cho NLĐ ổn định được cuộc sống, theo từng đối tượng NLĐ tự do không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại Nghị quyết 68/NQ-CP và NLĐ tại các doanh nghiệp (DN) tại Nghị quyết 116/NQ-CP. Các địa phương triển khai thực hiện các chính sách rất tích cực, kịp thời cho NLĐ, phần đông NLĐ phấn khởi trước sự quan tâm của nhà nước để họ vượt qua thời gian khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội vừa qua. Tuy nhiên một số NLĐ bị thiệt thòi khi không được DN ký HĐLĐ, né tránh trách nhiệm với NLĐ.

 

Người lao động trong lĩnh vực xây dựng thường ít được DN ký HĐLĐ, nếu không khai rõ ràng sẽ bị từ chối hỗ trợ theo NQ 68/NQ-CP

 

Theo quy định tại Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệm (BHTN), gồm 2 nội dung: Giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho NSDLĐ và hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ từ kết dư Quỹ BHTN. Mức hỗ trợ dựa trên cơ sở thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ theo 6 nhóm với mức cao nhất là 3,3 triệu đồng, mức thấp nhất là 1,8 triệu đồng.

 

Thực tế trên địa bàn thành phố Vũng Tàu vẫn còn một số NLĐ không được hưởng một hỗ trợ nào từ nhà nước bởi một lý do đơn giản là họ không được ký HĐLĐ, không đóng BHXH và DN cũng không xác nhận nội dung công việc của NLĐ để họ được hưởng trợ cấp vì bản thân công ty đã cố tình tránh việc đóng BHXH cho người lao động. Chị Mai T.T.T cứ trú tại Phường 3, làm việc bán thời gian cho một công ty cung cấp thức uống giải khát tại Vũng Tàu có trụ sở tại TP.HCM, khi nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP tại địa phương đã bị từ chối với lý do không thuộc đối tượng được hưởng, đến khi triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP cũng không được chế độ vì không đóng BHXH theo quy định, ngoài chị T cũng còn một số trường hợp tương tự khi làm việc tại một số DN không tham gia BHXH; đại diện phòng LĐ-TB&XH thành phố Vũng Tàu DN không ký HĐLĐ cho NLĐ làm việc tại DN mình với thời gian nhiều tháng là sai với quy định, tuy nhiên với NLĐ làm việc cho DN mà chỉ nhận tiền công LĐ chứ không nhận lương thì sau khi có xác nhận của DN thì phòng LĐ-TB&XH sẽ thực hiện hỗ trợ theo quy định cho NLĐ không có HĐLĐ. Bạn Võ Ngọc Anh Thanh, sinh 1998 làm việc bán thời gian cho công ty 88 lĩnh vực nhà hàng- giải khát không có HĐLĐ cho biết: sau khi có xác nhận của công ty đã nộp hồ sơ và được nhận hỗ trợ rất thuận lợi.

 

Liên quan đến hỗ trợ các chính sách cho NLĐ, ông Lưu Thanh Dũng, Giám đốc khách sạn Vacsava, 143 Phan Chu Trinh, Phường 2 cho biết đơn vị sử dụng lao động cần phải tuân thủ các quy định về HĐLĐ và phải có nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ và khi có những chính sách và khi gặp rủi ro sẽ được cơ quan bảo hiểm hỗ trợ. Theo lãnh đạo của BHXH tỉnh BR-VT dự kiến trên địa bàn tỉnh BR-VT có khoảng 193.300 lao động, tương ứng với số tiền hỗ trợ khoảng 433 tỉ đồng, tuy nhiên đến cuối tháng 10/2021 BHXH tinh mới giải quyết cho khoảng 20 ngàn NLĐ với số tiền khoảng 43 tỷ đồng. Việc nộp hồ sơ để nhận được hỗ trợ có thể theo hình thức trực tuyến rất thuận lợi cho DN và NLĐ.

 

NLĐ cũng cần biết HĐLĐ là sự thoả thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động; về bản chất, HĐLĐ là hình thức chứa đựng, ghi nhận sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ. Tuy nhiên, trên thực tiễn hiện nay cho thấy vấn đề giao kết HĐLĐ chưa thực sự được NSDLĐ và NLĐ chú trọng. Điều này dẫn đến hậu quả là các bên không thể bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi phát sinh tranh chấp. Khi NLĐ gặp phải vướng mắc liên quan đến vấn đề này, cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật hoặc tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để làm cơ sở thương lượng, giao kết hợp đồng đúng theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện DN đã vi phạm pháp luật về lao động và BHXH, NLĐ có thể yêu cầu với lãnh đạo DN thực hiện các thủ tục ký kết HĐLĐ và đóng BHXH cho mình. Trong trường hợp DN từ chối, bạn có quyền làm đơn đề nghị đến Phòng Lao động - thương binh và xã hội Thành phố để nhờ can thiệp hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết.

Lời khuyên của BHXH đối với NLĐ: vì quyền lợi của bản thân và thực tế khi triển khai hỗ trợ theo chính sách tại NQ 68/NQ-CP và NQ 116/NQ-CP cho thấy NLĐ cần quan tâm đến HĐLĐ của mình với DN không vì lợi trước mắt mà bỏ quên quyền lợi lâu dài và chủ DN vi phạm luật lao động. NLĐ khi nhận làm việc cho một DN cần đề nghị các nội dung có liên quan đến HĐLĐ và tham gia BHXH./.

Bài, ảnh: Thắng Cảnh, BBT