Năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm chọn tinh gọn bộ máy làm bước đột phá là đúng và có đủ cơ sở chính trị. Vấn đề này từ Đại hội XII rồi Đại hội XIII đã đặt ra, coi tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là nhiệm vụ ưu tiên. Tuy nhiên, qua thực tiễn hai nhiệm kỳ qua, do nhiều yếu tố mà Đảng ta mới tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng nên chưa triển khai được bao nhiêu. Sắp xếp bộ máy là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để có nguồn đầu tư phát triển. Đặc biệt là phải chọn được người đủ năng lực, phẩm chất để đảm đương công việc. Nếu công tác cán bộ mà không có đổi mới thực chất thì cải cách bộ máy không mang lại hiệu quả thực chất. Hơn lúc nào hết, với tinh thần cải cách này, cần dựa trên phẩm chất đạo đức, trên thành tích, hiệu quả công việc của nhân sự ở những vị trí công tác đã trải qua để đánh giá, lựa chọn và đặt cán bộ vào đúng vị trí.
Dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh. Dân là chủ và dân làm chủ là vấn đề rộng lớn, xuất phát từ việc đánh giá đúng đắn vai trò của nhân dân và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ trong đó nhân dân lao động là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống bản thân. Sau gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò của xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; đồng thời, nhận thức đầy đủ hơn về tính khách quan thực hiện dân chủ, nhất là các hình thức dân chủ trực tiếp trong tình hình mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” giờ đây không chỉ là phương châm, mục tiêu của Đảng mà còn là động lực để phát huy nguồn lực từ Nhân dân, khơi dậy sức mạnh toàn dân, góp phần xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa vì dân.
Thành phố Vũng Tàu là một đơn vị hành chính loại I trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 16 phường và 01 xã, 111 khu phố, thôn; có 92 cơ quan, đơn vị trực thuộc với 12 cơ quan chuyên môn, 80 đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2025, Thành ủy Vũng Tàu cũng đã phát động thi đua thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận năm 2025 trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị thành phố nhằm huy động sức mạnh tổng hợp trong thực hiện công tác dân vận; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tăng cường công tác nắm tình hình nhân dân, sâu sát cơ sở; lắng nghe, tập hợp tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; nắm chắc tình hình tôn giáo, dân tộc trên địa bàn; phát huy hiệu quả, vai trò của lực lượng cốt cán; phốt hợp giải quyết các vấn đề bức xúc, phát sinh trong Nhân dân.
Từ ngày 20 đến 22/4/2025 vừa qua, Vũng Tàu cũng đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Đây là một nội dung trong Kế hoạch số 456-KH/TU, ngày 4/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh. Đề án do Đảng ủy UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ các huyện, thành ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng. Đề án gồm: chức năng, nhiệm vụ cụ thể; tổ chức bộ máy, biên chế; bố trí cán bộ, trụ sở làm việc... của từng đơn vị hành chính cấp xã. Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đưa ra nhiệm vụ, lộ trình triển khai Đề án về hệ thống tổ chức Đảng ở địa phương (cấp tỉnh, cấp cơ sở), trong đó có tổ chức đại hội đại biểu Đảng bộ xã, phường, đặc khu nhiệm kỳ 2025–2030; xây dựng Đề án không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện; xây dựng Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh, cấp xã; triển khai Đề án về sắp xếp hệ thống Tòa án, Viện Kiểm sát ở địa phương; thực hiện việc sáp nhập cấp tỉnh.
“Dân biết” là nhân dân hiểu và nắm rõ được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến cuộc sống nhân dân, vận mệnh đất nước, dân tộc. Nhân dân hiểu rõ mục đích cuối của chủ trương, chính sách, pháp luật là phục vụ lợi ích của chính nhân dân, thành quả của chủ trương, chính sách, pháp luật mang lại do nhân dân thụ hưởng, tạo ra xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân; “Dân bàn” là nhân dân được thảo luận, bàn bạc, ý kiến, góp ý với Đảng và Nhà nước, để việc hoạch định, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật được thực hiện một cách chính xác, phù hợp, hiệu quả; “Dân làm” là nhân dân làm việc, thực hiện, hành động chủ trương, nghị chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo hiệu quả. Nhân dân thực hiện tinh thần làm chủ, vai trò chủ thể thực hiện, triển khai hoạt động, công việc với cách thức, phương pháp, phương tiện, lực lượng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật, việc làm vào đời sống đạt hiệu quả; “Dân kiểm tra” là việc nhân dân xem xét, đánh giá thực tế thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, việc làm, qua đó phát hiện những sai lệch, thiếu sót, đề xuất, ngăn chặn, xử lý, đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp thời, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra; “Dân giám sát” là nhân dân theo dõi, xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kết quả thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, công việc thực hiện; “Dân thụ hưởng” là nhân dân được nhận, thụ hưởng thành quả, kết quả của quá trình phát triển về đời sống vật chất, tinh thần mà các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mang lại sau quá trình tổ chức, thực hiện.
Trong thời gian tới, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tinh gọn bộ máy chính trị, các tổ chức đảng và các cấp chính quyền tại thành phố Vũng Tàu cần phải tập trung giải quyết những bức xúc, cũng như những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải thuận lòng dân, xuất phát từ lợi ích của dân, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân bằng cách hướng dẫn, tạo cơ chế để nhân dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ, giúp nhân dân thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi chính đáng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng dân tâm, dân tình, dân ý, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Bác dạy chúng ta rằng, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: Hiểu rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân. Quan điểm cách mạng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "có dân là có tất cả, mất dân là mất hết". "Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không xong". "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra". "Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại"./.
Bài: Lê Ngân, BBT