angle-left null Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Tay - Chân - Miệng

Tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường tiêu hóa và dễ phát triển thành dịch. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.

Độ tuổi bị Tay chân miệng

Tất cả những người chưa từng mắc bệnh TCM đều là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên không phải ai bị nhiễm bệnh cũng biểu hiện triệu chứng. Độ tuổi bị TCM chủ yếu là ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ < 3 tuổi. Lưu ý, các trẻ càng nhỏ thì biến chứng càng dễ diễn biến nặng.

Tình hình dịch bệnh TCM và công tác triển khai tại Vũng Tàu

Theo đánh giá của UBND thành phố Vũng Tàu thì: Bệnh TCM chính là bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa, ngoài ra theo đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng nước bị trầy loét hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà,…; Vì vậy dễ bùng phát dịch tại các cơ sở mầm non nhà trẻ, nhóm trẻ và cộng đồng tập trung nhiều trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng, loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Đến nay bệnh Tay - Chân - Miệng chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Trong năm 2022, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã ghi nhận 450 trường hợp mắc bệnh Tay - Chân - Miệng, tăng 1.7% so với năm 2021, trong đó phát hiện và xử lý 08/08 ổ dịch, không có trường hợp tử vong do dịch bệnh Tay - Chân - Miệng.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh TCM hiệu quả, kiên quyết không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng và kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh TCM. UBND thành phố Vũng Tàu yêu cầu Trung tâm y tế thành phố phối hợp với các phòng ban, cơ quan, đơn vị liên quan, các hội, đoàn thể, trường học và UBND các xã, phường,.. triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh TCM trên địa bàn. Tập trung vào các địa phương có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch; Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; thực hiện 3 sạch là:"ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch"; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng. Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất các các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cho cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức nhiều đợt giám sát, kiểm tra tại các trường mầm non, cơ sở giữ trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ gia đình, cơ sở mầm non tư thục về giữ gìn vệ sinh trường lớp, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa kháng khuẩn. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Ngoài ra, Trung tâm Y tế cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất trong công tác xử lý ổ dịch; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Phấn đấu giảm thiểu số ca mắc bệnh tay chân miệng trong toàn thành phố và không có trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng.

Một số biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng

Thứ nhất, cần thực hiện vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày và vệ sinh đúng cách, nhất là trước và sau khi tiếp xúc với trẻ;

Thứ hai, đối với trẻ đã mắc bệnh: Cần giặt sạch quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ sau đó ngâm qua với nước sôi hoặc dung dịch cloramin B. Cần tách riêng, không giặt chung quần áo của trẻ bệnh với các trẻ khác;

Thứ ba, các hộ gia đình, nhà trẻ, trường mẫu giáo cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng mà bé tiếp xúc hằng ngày, như sàn nhà, tường, đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang bằng xà phòng hoặc những chất tẩy rửa thông thường. Cần tập cho bé thói quen rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

Thứ tư, tuyệt đối không được mớm cơm, thức ăn cho trẻ, không dùng tay bốc thức ăn trực tiếp cho trẻ. Dạy trẻ không ăn bốc, không mút tay, không đưa đồ chơi lên miệng để ngậm mút.

Thứ năm, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử khuẩn;

Thứ sáu, tránh các hành vi tiếp xúc gần (như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với các bệnh nhi khác;

Thứ bảy, nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như cloraminB. Phân của bệnh nhân TCM cần được xử lý tốt, tránh thải trực tiếp ra môi trường xung quanh;

Thứ tám, nhà vệ sinh của những gia đình có người mắc bệnh TCM cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, lau chùi bằng xà phòng và chất sát khuẩn.

Thứ chín, cần vệ sinh cá nhân hàng ngày bằng cách rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

Khi phát hiện các triệu chứng bệnh TCM ở trẻ em, cần cách ly trẻ để tránh lây lan, đồng thời báo lên thầy cô giáo và nhà trường để cho trẻ tạm nghỉ học trong vài ngày cho đến khi khỏi bệnh

Được biết, UBND thành phố Vũng Tàu đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do TCM; đồng thời, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Chỉ tiêu đặt ra là giảm 5% số ca mắc TCM/100.000 dân so với trung bình 5 năm giai đoạn 2016- 2020. 100% ổ dịch phát hiện được xử lý đúng quy định. Khống chế không để dịch Tay - Chân - Miệng bùng phát.

Tin: Tuệ Lâm, BBT