Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan đầu mối y tế quốc tế của Việt Nam, tại tỉnh Prey Veng, Campuchia (có đường biên giới với Việt Nam) đã ghi nhận 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm độc lực cao, Cúm A(H5N1), trong đó có 1 trường hợp tử vong và 1 số trường hợp bệnh nghi ngờ. Với đặc điểm địa lý, mức độ hội nhập, giao thương phát triển như hiện nay thì nguy cơ cúm A(H5N1) xâm nhập vào Việt Nam và tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu là rất lớn nếu chúng ta không chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.
Để ngăn chặn kịp thời và chủ động phòng chống Cúm A(H5N1) lây nhiễm sang người, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kính đề nghị lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chỉ đạo Tổ Truyền thông, Giáo dục sức khỏe tích cực phối hợp với phòng y tế, các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, khu phố/thôn/ấp… đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh Cúm A(H5N1) đến người dân. Các đơn vị linh hoạt triển khai đa dạng nhiều hình thức truyền thông thiết thực, hiệu quả, cụ thể như sau:
Đường lây và triệu chứng bệnh
Bệnh cúm gia cầm lây sang người, cúm A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A(H5N1) gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm Cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Người mắc bệnh thường có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh dành cho người.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh Cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện các khuyến cáo sau:
1. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; trước và sau khi ăn; sau khi tiếp xúc với bất kì bộ phận nào của gia cầm... Đeo khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc với gia cầm và thực hiện các hoạt động liên quan đến gia cầm.
2. Giữ vệ sinh khi chế biến thức ăn bằng cách dùng riêng dao, thớt cho thức ăn sống và thức ăn chín. Thực phẩm cần nấu chín kỹ.
3. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín.
4. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
5. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
6. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
(Nguồn: Công văn số 260/KSBT-GDSK, Tuệ Lâm, BBT)