Vào những ngày giáp Tết, bố mẹ thường bận rộn, không có thời gian giám sát con khiến trẻ dễ gặp phải các tai nạn trong sinh hoạt như: Hóc dị vật, uống nhầm thuốc, ngã, bỏng, điện giật… Do đó, các bậc phụ huynh nên lưu ý đề phòng những sự cố đáng tiếc xảy ra với con em mình.
Thực hiện công văn số 208/BCĐ-SLĐTBXH ngày 19/01/2023 của Ban chỉ đạo Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Ban chỉ đạo Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thành phố Vũng Tàu đề nghị các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Theo đó, thực hiện đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến từng tổ dân phố, khu dân cư; giáo dục, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ bị tai nạn, thương tích, đặc biệt trong những dịp lễ, Tết, những ngày nghỉ trẻ em không đến trường.
Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn, đặc biệt cho trẻ em, ở các công trình xây dựng, các công trình công cộng, công trình thủy lợi, biển, ao, hồ, phương tiện giao thông, các địa điểm và thiết bị vui chơi dành cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ, truy cứu trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc tai nạn, thương tích, đặc biệt các trường hợp có trẻ em tử vong.
Chỉ đạo các biện pháp xử lý, cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có vụ việc tai nạn, thương tích trẻ em xảy ra. Đồng thời quan tâm hỗ trợ, động viên các gia đình có trẻ em bị tai nạn, thương tích; rà soát, làm rõ nguyên nhân, rút bài học kinh nghiệm để tạo lập môi trường an toàn, phòng, chống và sẵn sàng ứng phó tai nạn, thương tích cho mọi người, đặc biệt là trẻ em.
Rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực nguy hiểm có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, như làm rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới. Tiếp tục hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em từ thành phố đến phường, xã, các ngành; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực, phương tiện, thiết bị có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù trong môi trường gia đình, trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn. Do đó, trong việc phòng chống tai nạn thương tích, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng. Cha mẹ và người lớn cần có sự quan tâm, chăm sóc, tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi./.
Tin: Tuệ Lâm, BBT