angle-left null Thành phố Vũng Tàu quy định về phân công, phối hợp về an toàn thực phẩm trên địa bàn

Để công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố đầy đủ và đúng quy định, thành phố Vũng Tàu đã ban hành quyết định kèm theo quy định này quy định về việc phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, áp dụng đối với các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm của thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, Phòng Y tế thành phố là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn, có các nhiệm vụ  như căn cứ vào kế hoạch, sự chỉ đạo của cấp trên và tình hình đặc điểm của địa phương, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức triển khai việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch hàng năm; Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp Luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, chủ trì lập kế hoạch và triển khai kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo phân cấp thuộc lĩnh vực ngành y tế quản lý. Đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, theo dõi việc thực hiện các Quyết định xử phạt; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn ATTP cho các tuyến theo ngành quản lý; Hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế; Phối hợp với phòng, ban, đơn vị chuyên môn tuyên truyền về ATTP; tổ chức chiến dịch truyền thông với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng vào các giai đoạn cao điểm như Tháng hành động vì ATTP, tết Trung thu, tết Dương lịch, tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân hàng năm,... Phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm của các phường, xã; tổng hợp kết quả báo cáo Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân Tỉnh. Và là đầu mối, tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh cho Ủy ban nhân dân Tỉnh, Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu.

Quy định về phân cấp để đảm bảo thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên ngành về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Phòng Kinh tế có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công thương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; Thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương, cụ thể: Xác nhận và tổ chức kiểm tra việc cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định; Thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể: Xác nhận và tổ chức kiểm tra việc cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm Nông Lâm Thủy sản không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định; Chủ trì, phối hợp với các phòng ban, đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra việc chấp hành đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân cấp quản lý theo ngành trên địa bàn. Đề xuất UBND thành phố ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, theo dõi việc thực hiện các quyết định xử phạt.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện về an toàn thực phẩm theo phân cấp thuộc lĩnh vực ngành y tế quản lý

Và Trung tâm Y tế thành phố tổ chức thông tin, truyền thông về đảm bảo ATTP cho từng nhóm đối tượng, với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng vào các giai đoạn cao điểm; bồi dưỡng nghiệp vụ cho các bộ chuyên trách các trạm y tế trong việc kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thức ăn đường phố; Thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên ngành về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phối hợp các cơ quan tuyến trên, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, điều tra nguyên nhân và triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định; Chỉ đạo, hướng dẫn trạm Y tế phường, xã về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.

Và đối với Ủy ban nhân dân các phường, xã thì chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên phạm vi địa bàn quản lý; Tổ chức, điều hành Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm phường, xã; Thực hiện các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp trên về an toàn thực phẩm; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; Trực tiếp quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo phân công, phân cấp; Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công thương: Xác nhận và tổ chức kiểm tra việc cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại điểm b, c, Khoản 1, Điều 12 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CPngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;  Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thương: Xác nhận và tổ chức kiểm tra việc cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm Nông Lâm Thủy sản không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại điểm a, b (bao gồm tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m), c, Khoản 1, Điều 12 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CPngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm./.

Tin, ảnh: Kim Nguyễn, BBT