angle-left null Thành phố Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân

Theo báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế, tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19; tiêm vaccine Covid-19 để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.

Đánh giá công tác triển khai thực hiện

Theo đó, trong thời gian qua UBND thành phố Vũng Tàu, BCĐ Covid-19 thành phố Vũng Tàu vẫn tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19; thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các phường, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các ban ngành đoàn thể và nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19,... Tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác; Phối hợp với ngành y tế hướng dẫn người dân tự giác tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác truyền thông về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ để tạo sự đồng thuận; vận động học sinh và phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng phòng dịch Covid-19 đầy đủ, kịp thời

Tình hình dịch bệnh

Dịch bệnh Covid-19: Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 51.795 ca mắc (trong đó, đã khỏi 51.764 ca, còn đang điều trị tại nhà 31 trường hợp).

Biến thể phụ BA.5 của Omicron đã được ghi nhận 08 trường hợp (02 ca cộng đồng vào tháng 7 và tháng 8: Phường 1, 7, 8, 9, 11, Nguyễn An Ninh, (02 ca nhập cảnh người Nga, Phường 7; 02 ca Phường 9).

Nhân viên y tế khám sáng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19

Kết quả tiêm phòng vắc xin Covid-19

Tại thành phố Vũng Tàu, số liệu tính đến ngày 16/12/2022: Người trên 18 tuổi tiêm 01 mũi 273.554, đạt 103.7% (Số quản lý 247.654, đạt 94%); tiêm 02 mũi 275.173, đạt 104.4% (số quản lý 246.918, đạt 94%); tiêm 03 mũi: 258.558, đạt 98.1% (số  quản lý 196.895, đạt 75%); Tiêm 04 mũi: 35.143, đạt 13.21% (17.85% so với số mũi 3 quản lý).

Trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: tiêm 01 mũi 32.098, đạt 108%; tiêm 02 mũi 30.778, đạt 106%; tiêm 03 mũi: 15.898, đạt 54.6%.

Trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi: tiêm 01 mũi 25.660, đạt 60.2%; tiêm 02 mũi 14.877, đạt 35,5%.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh

Người dân ký vào giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì: Năm 2022, Việt Nam cơ bản kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và thực hiện tốt việc cân bằng giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ sức khỏe người dân. Nhưng đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, số người mắc bệnh, nhập viện và tử vong vẫn đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Vi rút SAR-CoV-2 gây dịch Covid-19 liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới. Đến nay, thế giới đã ghi nhận trên 500 biến thể khác nhau. Hiện, biến thể Omicron là biến thể chủ đạo với nhiều biến thể phụ như: BQ.1, BA.5, BA.2.75, BA.4.6,… và gần đây nhất là sự xuất hiện của biến thể XBB. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, XBB - là biến thể tái tổ hợp được kết hợp từ hai biến thể phụ khác của Omicron được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022. Đến thời điểm hiện tại, XBB đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Ở nước ta, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron. Tuy nhiên, vắc xin phòng Covid-19 hiện tại vẫn có khả năng giảm tình trạng bệnh diễn tiến nặng và hạn chế tử vong khi mắc.

Bên cạnh đó, dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội đầu năm đang đến gần, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế dự kiến cấp cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 25.100 liều vắc xin AstraZeneca, tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, nhằm tăng độ bao phủ vắc xin trong cộng đồng. Người dân cần chủ động tiêm các mũi vắc xin liều cơ bản và liều tăng cường (mũi 3, mũi 4,…) để phòng chống Covid-19, đảm bảo sức khoẻ, vui đón năm mới.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin mRNA (vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất) có thể tiêm liều nhắc lại bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất, thời gian tối thiểu là 03 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.

“Tiêm vắc xin phòng Covid-19 – Hành trình an toàn - Bảo vệ bạn, gia đình và những người bạn thương yêu”.

Những việc cần thực hiện trong thời gian tới

Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, UBND thành phố Vũng Tàu, BCĐ Covid-19 thành phố Vũng Tàu đãr chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các cơ quan đơn vị và các phường xã tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để tham mưu UBND Thành phố giải pháp phòng, chống các dịch bệnh kịp thời. Triển khai đến cơ sở khám, chữa bệnh y tế tư nhân trên địa bàn thành phố tổ chức thực hiện tốt việc phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm như Covid-19, bệnh nhân sốt xuất huyết, ...; hướng dẫn tư vấn chăm sóc điều trị tại nhà và hướng dẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh để chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời, đặc biệt nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính) để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; đồng thời cập nhật và báo cáo ca bệnh về Trung tâm y tế thành phố hàng ngày để giám sát và xử lý ổ dịch tại địa bàn kịp thời. Rà soát công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên các đối tượng, đề xuất nhu cầu vắc xin sát thực tế, đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh và chỉ số côn trùng để kịp thời đưa ra các giải pháp thực hiện công tác phòng và chống dịch tại địa bàn; Rà soát, trang bị cơ số thuốc, dịch truyền, hóa chất và vật tư, trang thiết bị,…củng cố các đội cơ động chống dịch, bổ sung nhân lực tham gia phòng, chống dịch sẵn sàng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, tránh để vắc xin hết hạn, gây lãng phí.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về phòng ngừa dịch bệnh; hiệu quả và sự cần thiết phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19; phối hợp với ngành y tế hướng dẫn người dân tự giác tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường công tác truyền thông đến giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ để tạo sự đồng thuận; vận động học sinh và phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng phòng dịch Covid-19 đầy đủ, kịp thời. Rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 05 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19 hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung, tiêm liều nhắc lại.

Như vậy, cần phải khẳng định quan điểm rất rõ, đó là tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19; tiêm vaccine Covid-19 để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới. Do đó để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; đồng thời kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch Covid-19.

Bài, ảnh: Tấn Lâm, BBT