Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hiện đại, hiệu quả, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt quan điểm và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Cần có tư duy, cách tiếp cận mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính; kế thừa, phát huy kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nỗ lực đột phá vượt lên. Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành thì sẽ “tụt hậu”. Phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Xây dựng nhiều mô hình, sáng kiến mới triển khai, áp dụng vào thực tiễn, tạo dấu ấn nổi bật trong thời gian tới với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả”. Cải cách thủ tục hành chính phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, không bị động, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho chính quyền các cấp trong quá trình ra quyết định, nhất là phản ứng chính sách nhanh, kịp thời. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu; càng “áp lực” thì càng phải “nỗ lực”, chuyển từ trạng thái “bị động” sang “chủ động”; tạo sự thân thiện, cải thiện quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời…
Theo báo cáo của UBND Thành phố thì thời gian qua, UBND thành phố đã thường xuyên chỉ đạo UBND các phường, xã và các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND Thành phố niêm yết công khai các TTHC khi UBND tỉnh có Quyết định công bố TTHC, cụ thể: Tại Bộ phận Một cửa thành phố Vũng Tàu gồm: 279 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện; 42 thủ tục thuộc ngành dọc. Tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của các phường, xã gồm: 113 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã; 14 thủ tục thuộc ngành dọc. 100% các hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh
UBND thành phố Vũng Tàu cũng đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, UBND Thành phố trang bị máy scan theo chức năng của các phòng chuyên môn phục vụ công tác dịch vụ công trực tuyến và số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả Thành phố;
Về xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính: UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 9439/KH-UBND về việc thực hiện khâu đột phá nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với thời gian quy định của Bộ thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Theo đó, các phòng chuyên môn trực thuộc thành phố, UBND các phường, xã đã xây dựng quy trình nội bộ cắt giảm thời gian giải quyết của cơ quan, đơn vị theo lộ trình đề ra trong năm 2022.
Đối với việc đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, trong đó thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ để xây dựng hoặc hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến, tích hợp, cung cấp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền giảm phí, lệ phí trong trường hợp thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 05/12/2022, UBND Thành phố đã đạt được tỷ lệ 51.51%.
Ngoài ra, UBND thành phố Vũng Tàu tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử: 100% các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố và UBND các phường, xã được cấp phát chữ ký số, chứng thư số. Theo đó, UBND Thành phố đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cấp phát 139 chữ ký số cho cá nhân (lãnh đạo và kế toán và công chức thực hiện thủ tục hành chính của phòng chuyên môn) và 45 chứng thư số cho tổ chức là các cơ quan, đơn vị, các ban do UBND Thành phố thành lập có con dấu pháp nhân để phục vụ việc ký số các văn bản điện tử.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong thời gian qua, xác định việc đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên của địa phương; do đó, khi Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 03/10/2022 của Chính phủ được ban hành, UBND Thành phố đã phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Qua đó phát huy trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện chất lượng trong việc phục vụ nhân dân và kết quả đánh giá xếp hạng cải cách hành chính. Kết quả triển khai trong thời gian qua tại thành phố Vũng Tàu là đáng khích lệ.
Được biết, tại Nghị quyết số 131/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Kinh phí thực hiện Nghị quyết này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết trong dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao./.
Bài: Tấn Lâm, BBT