Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975- 30/04/2025)
Trân trọng giá trị của hòa bình
Hòa bình luôn là biểu tượng của sự bình yên, là giá trị sống cơ bản đầu tiên, là điều kiện để các giá trị sống khác hình thành và phát triển. Để có được môi trường hòa bình như ngày hôm nay, dân tộc ta đã đã phải trải qua rất nhiều đau thương, mất mát từ những cuộc chiến khốc liệt trong lịch sử. Đặc biệt phải kể tới hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai cuộc chiến này đã để lại những đau thương cho rất nhiều gia đình hoặc những hệ lụy mà cho đến tận ngày nay vẫn chưa thể khắc phục được hết. Vì thế, trong chính mỗi chúng ta - con người Việt Nam phải hiểu được giá trị của hòa bình hơn bao giờ hết.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, giờ phút lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, một ngày hội non sông sum họp. Hôm nay, tròn nửa thế kỷ kể từ thời khắc thiêng liêng ấy (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng ta cùng nhìn lại để thấy rằng, chiến thắng vĩ đại này vượt lên trên ý nghĩa của một thắng lợi quân sự đơn thuần. Đó là sự kết tinh rực rỡ của ý chí thống nhất non sông sắt đá và khát vọng hòa bình cháy bỏng đã được hun đúc trong lòng dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử. Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, trân trọng giá trị của hòa bình, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như lời Bác Hồ dạy.
Cửa ngõ thành phố Vũng Tàu sau 50 năm đất nước thống nhất
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, những mất mát đau thương đã lùi sâu vào quá khứ, Vũng Tàu hay bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S đều đã thay màu đổi mới và vẫn còn đó một dòng ký ức lặng lẽ chảy trong tâm tư mỗi người con đất Việt. Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dịp để chúng ta nhìn lại và suy ngẫm về giá trị của hòa bình - độc lập. Có thể nói, khát vọng của dân tộc Việt Nam là hòa bình. Từ ngàn đời nay các bậc hào kiệt, anh hùng của đất nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh đều dành tâm sức, trí tuệ để "mở nền thái bình muôn thuở", lấy "nhân nghĩa" để "yên dân", để thắng hung tàn, cường bạo.
Hòa bình, thống nhất đất nước đã tạo điều kiện cơ bản để cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng bào và chiến sĩ cả nước phát huy sức mạnh xây dựng và phát triển đất nước, tạo thuận lợi và khả năng to lớn để đất nước ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Một đất nước Việt Nam luôn thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức sáng tạo và sự đồng thuận của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thay da, đổi thịt sau những năm dài chiến tranh…
50 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4 lịch sử đó, một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, non sông liền một dải đang ngày một ổn định, phát triển và vươn lên. Đặc biệt, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo, đất nước Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế. Việt Nam đã phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng; phúc lợi và an sinh xã hội được thực hiện và từng bước mở rộng. Công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo đã đạt nhiều thành tựu quan trọng…
Để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cần tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng cần được duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ cần tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cần được coi trọng.
Hòa bình được đánh đổi bằng máu và nước mắt. Hôm nay đây, các cấp, các ngành, các địa phương luôn chú trọng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực sự là đạo đức, là văn minh như tâm nguyện của Bác Hồ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do của người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên; giữ vững và tăng cường niềm tin trong nhân dân; củng cố mối quan hệ mật thiết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng vì đây là cội nguồn sức mạnh của Đảng ta. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể nhân dân.
Khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam yêu nước trong cuộc kháng chiến chính nghĩa vĩ đại của dân tộc nay lại được cất lên bằng khát vọng của tinh thần đoàn kết, đồng hành, cộng tác và yêu thương để gìn giữ và tôn vinh – giá trị cao quý để Việt Nam mến yêu trở thành điểm đến của hòa bình./.
Bài: Lê Ngân, BBT