Là đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, thành phố Vũng Tàu không chỉ sở hữu đường bờ biển dài và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc mà còn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, với hàng chục di tích cấp quốc gia và địa phương. Từ đình Thắng Tam linh thiêng đến Nhà Lớn Long Sơn mang đậm dấu ấn Nam Bộ, từ Thích Ca Phật Đài tĩnh tại đến các di tích cách mạng như Nhà má Tám Nhung – mỗi di tích đều là một mảnh ghép trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần hình thành bản sắc văn hóa Vũng Tàu hôm nay.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, sự phát triển du lịch và nhu cầu khai thác không gian đô thị gia tăng đang tạo ra những áp lực không nhỏ đối với công tác bảo tồn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và cộng đồng, Vũng Tàu đang từng bước triển khai hiệu quả chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa, gắn kết hài hòa giữa bảo tồn – phát triển và hội nhập trong kỷ nguyên số.
Bức tranh tổng thể về di sản văn hóa Vũng Tàu
Hiện nay, thành phố Vũng Tàu đang quản lý 16 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 15 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 1 di tích cấp tỉnh. Các di tích trải dài trên địa bàn các phường, bao gồm những công trình gắn liền với lịch sử cách mạng, kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng và tôn giáo như Đình Thần Thắng Tam, Nhà Lớn Long Sơn, Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn Tịnh Xá, Chùa Phước Lâm… Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng trực tiếp quản lý hai di tích quan trọng: Trận địa pháo cổ – Hầm Thủy Lôi và Bạch Dinh.
Thích ca Phật đài là 1 trong những di tích, là điểm du lịch tâm linh thu hút khách
Các di tích này không chỉ là “ký ức sống” của vùng đất Vũng Tàu mà còn là điểm đến tâm linh, lịch sử và văn hóa, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, thực trạng xuống cấp, lấn chiếm hoặc thiếu quản lý hiệu quả ở một số di tích vẫn là vấn đề tồn tại.
Quản lý di sản: Từ văn bản đến hành động
Thực hiện Quyết định số 5022/QĐ-UBND và các chỉ đạo từ UBND tỉnh, trong năm 2024 và quý I/2025, UBND thành phố Vũng Tàu đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo sát sao công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Các văn bản như Kế hoạch số 999/KH-UBND (triển khai chương trình bảo tồn năm 2024–2025), Công văn số 10179 (tăng cường quản lý di tích) và Công văn số 1204 (hướng dẫn thực hiện quy định của tỉnh) đã giúp hệ thống chính quyền địa phương có được hành lang pháp lý và chỉ đạo cụ thể để triển khai công việc.
Đặc biệt, một số di tích đang được đưa vào kế hoạch trùng tu, như Trận địa pháo cổ núi Tao Phùng, Nhà số 86 Phan Chu Trinh – nơi ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng của địa phương. Song song đó, các đơn vị quản lý như Ban Quản trị Thích Ca Phật Đài, Chùa Phước Lâm, Nhà Lớn Long Sơn cũng tích cực tham gia xã hội hóa công tác bảo tồn bằng cách chủ động đóng góp nguồn lực để trùng tu và tôn tạo cơ sở.
Giáo dục, tuyên truyền và lan tỏa giá trị di sản
Một điểm sáng trong công tác quản lý di sản tại Vũng Tàu chính là sự đầu tư cho công tác tuyên truyền và giáo dục văn hóa. Trong năm 2024, thành phố đã tổ chức hàng chục hoạt động truyền thông như tuyên truyền pháp luật về di tích trên các nền tảng số, phát hành tập gấp du lịch, xây dựng các tour giáo dục về nguồn, tổ chức hoạt động ngoại khóa tại di tích cho học sinh các cấp…
Phát triển các tour giáo dục về nguồn, tổ chức hoạt động ngoại khóa tại di tích cho học sinh các cấp…
Những nỗ lực này đã mang lại sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức cộng đồng về di sản. Người dân và du khách không chỉ xem các di tích là nơi tham quan, mà còn ý thức được vai trò của mình trong việc gìn giữ “ký ức không thể thay thế” của đô thị biển này.
Những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Tuy đạt được những thành tựu nhất định, song công tác bảo tồn di sản tại Vũng Tàu vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Một số di tích bị xâm lấn nghiêm trọng như Trận địa pháo cổ Cầu Đá – vốn nằm rải rác trong khuôn viên của chùa, cơ quan dân sự và thậm chí cả hộ dân cư không có giấy phép xây dựng. Tình trạng thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sự chậm trễ trong phối hợp giữa các cấp và đơn vị quản lý đã khiến nhiều phương án tu bổ phải tạm ngưng chờ phê duyệt.
Tương tự, di tích Ăngten Parabol trên Núi Lớn – từng là công trình viễn thông chiến lược của Mỹ – hiện đã xuống cấp nghiêm trọng do bị bão làm hư hại, nhưng đơn vị được giao quản lý chưa thực hiện đúng quy định về tu bổ và tôn tạo.
Ngoài ra, vấn đề thiếu hụt nhân sự chuyên môn quản lý di tích, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ban ngành, đặc biệt là việc thiếu kinh phí thường xuyên để duy tu di tích vẫn là bài toán chưa có lời giải triệt để.
Vai trò cộng đồng và hướng đi bền vững
Một điểm đáng khích lệ là sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tôn giáo, cá nhân và cộng đồng dân cư trong việc xã hội hóa công tác bảo tồn. Trong giai đoạn 2011–2024, đã có 8 di tích được trùng tu, trong đó 50% sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Những mô hình này cho thấy nếu có chính sách đúng đắn và sự khích lệ từ chính quyền, người dân sẵn sàng đồng hành trong công cuộc gìn giữ ký ức văn hóa.
Về dài hạn, việc số hóa hồ sơ di tích và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử là hướng đi đúng đắn. Cùng với đó, Vũng Tàu cũng nên đẩy mạnh xây dựng đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp, lồng ghép di sản với du lịch cộng đồng, xây dựng mô hình “di sản sống” – nơi mỗi người dân là một đại sứ văn hóa.
Định hướng bảo tồn gắn với phát triển
thành phố Vũng Tàu đang tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để đề xuất phương án phục hồi một số di tích gặp khó khăn như Nhà cao cẳng, Nhà ông Trương Quang Vinh (18/5 Lê Lợi), Ăngten Parabol… Đồng thời, chương trình bảo tồn giai đoạn 2025–2030 cũng được đề xuất với định hướng gắn bảo tồn di tích với phát triển kinh tế đêm, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng như tour lễ hội Nghinh Ông, trải nghiệm đình làng – chùa cổ, hoặc các điểm check-in di sản đô thị.
Di sản – nền tảng bền vững cho tương lai
Di sản văn hóa không chỉ là minh chứng lịch sử, là niềm tự hào của cộng đồng, mà còn là tài nguyên quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững – đặc biệt trong bối cảnh du lịch văn hóa ngày càng trở thành xu thế. Với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố Vũng Tàu, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng và tinh thần trách nhiệm từ cộng đồng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức: từ khắc phục các điểm nghẽn về pháp lý, kinh phí, nhân lực đến việc hiện đại hóa phương pháp quản lý di tích. Để di sản thực sự “sống” và lan tỏa, thành phố cần tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường hợp tác công – tư, đẩy mạnh xã hội hóa và số hóa quản lý di sản.
Vũng Tàu đang đi đúng hướng, nhưng hành trình bảo tồn giá trị văn hóa là một chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên định và tầm nhìn chiến lược. Di sản không thể tự bảo vệ mình – mà cần được bảo vệ bằng trách nhiệm, tình yêu và hành động của mỗi con người hôm nay./.
Bài, ảnh: Việt Bách, BBT