Ở thời đại nào đi chăng nữa, học tập suốt đời là nhu cầu tất yếu của con người và của xã hội, đặc biệt, trong thời đại 4.0 thì nhu cầu đó càng bức thiết hơn bao giờ hết. Năm 2023, UBND thành phố Vũng Tàu cũng đã xác định xây dựng xã hội học tập nói chung và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, quản lý của các cấp chính quyền và sự tham gia của các cơ quan, các tổ chức, các lực lượng trong xã hội, trong đó Hội Khuyến học giữ vai trò nòng cốt. Gắn phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị với nhiệm vụ phát triển bền vững của địa phương về kinh tế, văn hoá - xã hội và bảo vệ môi trường, với các phong trào khác ở địa phương. Tập trung nâng cao chất lượng các mô hình học tập trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện Chương trình; tăng cường năng lực kỹ thuật số của mọi thành viên trong các mô hình học tập phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023 - 2030.
Đoàn phường Rạch Dừa với phong trào đọc sách, xây dựng xã hội học tập
Năm 2023, thực hiện Kế hoạch số 50/KH-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2023- 2030” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND thành phố Vũng Tàu cũng đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học thành phố hiểu rõ và triển khai hiệu quả các tiêu chí xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Phấn đấu 60% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 90% những người đạt danh hiệu “Công dân học tập” đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 80% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” trên môi trường số hóa. Hội Khuyến học thành phố Vũng Tàu sẽ là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện tiêu chí đánh giá mô hình “Công dân học tập” trong toàn thành phố; đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị/xã hội/nghề nghiệp có liên quan tổ chức triển khai thực hiện những Bộ tiêu chí khung để áp dụng cho các nhóm đối tượng khác nhau như: công nhân, công chức, viên chức, doanh nhân, cán bộ quản lý…Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình “Công dân học tập” thông qua các website của Hội khuyến học các địa phương; trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua việc phát động phong trào thi đua học tập suốt đời, xây dựng mô hình “Công dân học tập” trong toàn thành phố. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình công dân học tập như: Xây dựng trang thông tin điện tử, học liệu mở, chuyên đề...; Khai thác, sử dụng phần mềm số hóa việc thu thập minh chứng, cho điểm, đánh giá, tổng hợp, báo cáo... việc thực hiện các tiêu chí xây dựng mô hình “Công dân học tập” theo các mục tiêu của Chương trình. Triển khai công tác tập huấn, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp của cộng đồng trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, nhân rộng mô hình “Công dân học tập”, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Để việc xây dựng các mô hình học tập đạt hiệu quả, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, các cấp Hội Khuyến học tại thành phố Vũng Tàu đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, đơn vị liên quan bình xét, đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” gắn với bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” và thực hiện cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Việc triển khai xây dựng các mô hình học tập đã tác động tích cực đến chất lượng giáo dục, trình độ dân trí của người dân trên địa bàn thành phố. Nhiều gia đình tại thành phố Vũng Tàu có con cháu học hành đỗ đạt cao, tỷ lệ học sinh lên lớp ở các cấp học được nâng lên rõ rệt. Năm học 2022-2023 vừa qua, ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu đã tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, Olympic 27/4 lớp 6, 7, 8 và lớp nguồn với 847 học sinh tham gia và công nhận được 163 học sinh giỏi cấp thành phố; cử 162 học sinh dự thi Kỳ thi Học sinh giỏi lớp 9, Olympic 27/4 cấp Tỉnh. Đồng thời tổ chức, hướng dẫn học sinh dự thi cấp tỉnh cuộc thi Olympic tiếng Anh (IOE) và ViOlympic các môn Toán tiếng Việt, Toán tiếng Anh, Vật lý qua mạng internet. Tổ chức Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cho học sinh THCS cấp Thành phố, công nhận được 11 của 22 học sinh/ tổng 23 dự án của 45 học sinh dự thi; cử 03 dự án có chất lượng tham gia dự thi cấp Tỉnh, đạt 02 giải (Nhì, Ba). Công tác Kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá ngoài 02 trường mầm non (Hướng Dương và MN 2/9), 03 trường Tiểu học (TH Đoàn Kết - đạt KĐCL mức 2, chuẩn quốc gia mức 1, TH Lý Tự Trọng - đạt KĐCL mức 3, chuẩn quốc gia mức 2, TH Thắng Nhì - đạt KĐCL mức 2, chuẩn quốc gia mức 1); đăng ký đánh giá ngoài để công nhận lại Chuẩn chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia 02 trường THCS THCS Duy Tân, THCS Châu Thành. Hoàn thành và đưa sử dụng 02 trường gồm: TH Phước An và THCS Lương Thế Vinh.
Mỗi chúng ta đều biết rằng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên cán bộ và đồng bào: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, “Học không bao giờ cùng”, “Phải lấy tự học làm cốt” và theo Người, “Ai cũng phải học; không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo; không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc… khi đã xác định việc học là một nhu cầu thì ai cũng phải tự giác học tập”. Chính vì thế, học tập suốt đời không chỉ trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho con người mà còn giúp chúng ta sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi về tri thức, kỹ năng và sự thích ứng cao hơn. Do đó, để trở thành công dân số, công dân toàn cầu, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Có thể nói, trong kỷ nguyên số hiện nay, việc xây dựng xã hội học tập gắn liền với yêu cầu mọi người dân phải học tập thường xuyên là xu thế tất yếu. Do đó, mỗi người cần xây dựng ý thức, năng lực tự học để thích ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập.
Phường 10 tổ chức trao học bổng "Chắp cánh ước mơ" cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn
Theo Hội khuyến học thành phố Vũng Tàu thì: Hằng năm, ngoài đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập, các cấp Hội Khuyến học tại thành phố Vũng Tàu đã sáng tạo tổ chức các hoạt động hỗ trợ giáo dục như: Vận động, giúp đỡ học sinh khó khăn, học sinh có nguy cơ bỏ học; cấp học bổng, khen thưởng cho học sinh, giáo viên đạt thành tích trong dạy và học; vận động phụ huynh xây dựng góc học tập cho con em mình... Từ đó động viên, khen thưởng kịp thời những học sinh đạt thành tích cao trong học tập, trợ cấp, cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp Hội đã tích cực vận động nhân dân và các doanh nghiệp, đơn vị, các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng quỹ hội. Qua đó nhằm thực hiện mục tiêu chung là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân thông qua việc triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023 - 2030.
Bên cạnh đó, hiện nay, một số dòng họ trên địa bàn thành phố Vũng Tàu có một hình thức khuyến học riêng, nhưng tất cả đều chung mục tiêu là nuôi dưỡng và phát huy tinh thần hiếu học của gia đình, dòng họ mình. Đồng thời, các gia đình, dòng họ còn quan tâm và có ý thức gắn kết phong trào xây dựng dòng họ học tập với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... tại địa phương. Thành công trong thực hiện phong trào xây dựng dòng họ học tập trên địa bàn thành phố Vũng Tàu những năm qua đã đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập tại các dòng họ, địa phương, tạo điều kiện cho các cá nhân, gia đình tham gia vào các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.
Có thể khẳng định, học tập thường xuyên, học tập suốt đời hướng đến xây dựng một xã hội học tập là niềm mong mỏi và cố gắng chung của các cấp, các ngành và của toàn xã hội mà trong đó chăm lo và tạo điều kiện cho việc học tập của thế hệ trẻ, lực lượng thanh thiếu niên hiện nay là vô cùng quan trọng và cấp thiết, hướng đến xây dựng nền tảng nhân cách và đạo đức cho thế hệ trẻ - nguồn nhân lực to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Vũng Tàu thân yêu./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT