Những năm trước 2022, nhiều khu vực tại thành phố Vũng Tàu phải sống chung với thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng kéo dài, nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra các kênh rạch, cùng với mùi hôi thối bao trùm ở nhiều nơi dân cư. Những con đường cửa ngõ thành phố trở thành “bãi tập kết rác không phép”, những thửa đất trống hoang hóa bị biến thành nơi đổ trộm chất thải, và các tuyến kênh như Bến Đình, hồ Rạch Bà, Cửa Lấp nhiều thời điểm như “dòng nước chết”, bốc mùi nồng nặc, tạo nên hình ảnh tương phản đau lòng cho một đô thị biển được mệnh danh là “xanh – sạch – đẹp”.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân, mà còn làm giảm sức hút du lịch, gia tăng các nguy cơ về dịch bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị để thay đổi tận gốc bộ mặt môi trường đô thị.
Chính sách quyết liệt và hành động đồng bộ
Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 16/3/2022 nhằm đề ra các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để giải quyết các điểm đen và không để phát sinh điểm đen mới. Tiếp theo đó, UBND thành phố Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch 7632/KH-UBND vào tháng 8/2022, nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp then chốt về lãnh đạo, tuyên truyền, quy hoạch hạ tầng, phối hợp và nâng cao hiệu lực quản lý.
Với chính sách quyết liệt và hành động đồng bộ, thành phố Vũng Tàu đã 3 lần liên tiếp được công nhận là thành phố du lịch sạch Asean
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo và giám sát của người đứng đầu các cấp để đảm bảo chỉ đạo thống nhất và kiên quyết. Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi đối tượng. Thứ ba, quy hoạch và phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống thoát nước và xử lý chất thải. Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể và huy động sự tham gia của cộng đồng. Thứ năm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước thông qua hoàn thiện chính sách, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và đảm bảo minh bạch thông tin.
Những giải pháp này được triển khai đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc cho những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường tại Vũng Tàu, hướng tới mục tiêu một đô thị biển xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Những kết quả bước đầu tích cực
Kết quả triển khai có thể nhìn nhận là rất đáng ghi nhận. Tính đến đầu năm 2025, từ 63 điểm tồn đọng chất thải rắn trước đây, nay chỉ còn vài khu vực vắng vẻ, ít người qua lại. Khu vực Cửa Lấp và Rạch Bà, trước kia thường xuyên bị phản ánh về mùi hôi và rác thải, nay đã được xây dựng thành các vườn hoa, trở thành điểm nhấn xanh trong lòng đô thị.
Thành phố cũng đã xây dựng danh sách 733 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề. Trong đó, 82 cơ sở chế biến hải sản đã được phê duyệt danh sách di dời, đang chờ bố trí vị trí tiếp nhận từ tỉnh. Cùng với đó, hàng loạt dự án hạ tầng đã và đang được triển khai, điển hình như nạo vét và cải tạo kênh Bến Đình, xây dựng các trạm trung chuyển rác, và hệ thống thu gom nước thải đô thị.
Nỗ lực của cả chính quyền và nhân dân
Cùng với những nỗ lực này, thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Từ năm 2020 đến 2024, đã thực hiện hơn 180 buổi kiểm tra môi trường, xử phạt gần 1,9 tỷ đồng, thu hồi 5 giấy chứng nhận kinh doanh vì gây ô nhiễm, và đóng cửa nhà máy chế biến hải sản tại Phường 12.
Đáng chú ý, vai trò của cộng đồng trong công cuộc này là rất lớn. Thành phố đã thành lập 111 Tổ giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường tại các phường, xã, huy động người dân tham gia giám sát, phản ánh và tố giác hành vi vi phạm môi trường. Việc tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, nhóm Zalo dân cư và các buổi tập huấn tại địa phương giúp nâng cao nhận thức, biến tinh thần bảo vệ môi trường thành hành động cụ thể.
Nhiều người dân đã chung tay cùng chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường
Ứng dụng công nghệ trong quản lý môi trường
Bên cạnh đó, thành phố từng bước ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý môi trường như lắp đặt hệ thống camera giám sát các điểm nóng về đổ rác trộm, xử lý chất thải, giám sát mùi hôi tại khu dân cư. Việc phân loại rác tại nguồn cũng được triển khai bằng các phần mềm hướng dẫn, hỗ trợ thu gom, từ đó góp phần hình thành thói quen sống xanh trong cộng đồng.
Vẫn còn nhiều thách thức phía trước
Tuy nhiên, hành trình chuyển hóa đô thị vẫn còn không ít thách thức. Tình trạng đổ trộm chất thải rắn vẫn tái diễn ở một số khu vực. Việc bố trí địa điểm mới cho các cơ sở chế biến hải sản vẫn đang chờ sự phối hợp từ cấp tỉnh. Tỷ lệ phân loại rác tại nguồn còn chênh lệch giữa các địa phương, một bộ phận người dân chưa tích cực tham gia. Hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tại một số khu vực chưa đồng bộ, gây áp lực lên hệ thống kênh, hồ.
Hướng đến tương lai: Đô thị xanh – sạch – đẹp
Dẫu còn đó những khó khăn, nhưng nhìn lại ba năm đã qua, rõ ràng công tác giải quyết điểm đen môi trường đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Đây không chỉ là thành tựu trong quản lý nhà nước, mà còn là minh chứng cho sự đồng thuận cao giữa chính quyền và người dân. Những chuyển biến tích cực đã đặt nền móng vững chắc cho mục tiêu đến năm 2025: giải quyết cơ bản các điểm đen và không để phát sinh điểm đen mới.
Thành phố Vũng Tàu đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ đô thị biển hiện đại và bền vững. Trong thời gian tới, Vũng Tàu tiếp tục duy trì quyết tâm, tăng cường liên kết giữa chính quyền – doanh nghiệp – người dân để nhân rộng các kết quả đạt được. Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự đồng hành của toàn thể cộng đồng, hành trình làm xanh – sạch – đẹp thành phố chắc chắn sẽ gặt hái thêm nhiều thành công.
Mỗi người dân hãy là một “chiến sĩ môi trường”, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị sống trong lành, văn minh, cùng nhau xây dựng Vũng Tàu trở thành thành phố văn minh và đáng sống.
Bài, ảnh: Trần Linh, BBT