angle-left null Vũng Tàu: Người dân chủ động góp ý sửa đổi Hiến pháp qua VNeID – Dân chủ thực chất, ứng dụng công nghệ số.

 

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng đối với vận mệnh quốc gia, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, người dân cả nước được tham gia góp ý trực tuyến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID. Hình thức lấy ý kiến mới này đã mở rộng không gian dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát huy quyền làm chủ và đóng góp tiếng nói trực tiếp vào văn kiện pháp lý nền tảng của quốc gia.

Tại Vũng Tàu, việc triển khai lấy ý kiến được thực hiện khẩn trương, đồng bộ và hiệu quả, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt, vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức, vừa hướng dẫn cài đặt và sử dụng VNeID để người dân dễ dàng góp ý. Qua đó không chỉ lan tỏa tinh thần dân chủ, minh bạch mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại địa phương.

Dân chủ thực chất từ hành động cụ thể

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh, từ ngày 9/5/2025, toàn lực lượng Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ra quân đồng loạt triển khai chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013 trên ứng dụng VNeID. Chỉ trong 5 ngày đầu, toàn Thành phố đã ghi nhận hơn 80% người dân tham gia góp ý – một con số minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân cao.

Lực lượng công an phường, phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn thể và các tổ dân phố tổ chức thành các tổ lưu động đến từng hộ gia đình.

Tại TP. Vũng Tàu, lực lượng công an phường, các khu phố, cơ quan đơn vị, Phường xã phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn thể và các tổ dân phố tổ chức thành các tổ lưu động đến từng hộ gia đình. Không chỉ hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, lực lượng công an còn giải thích cặn kẽ nội dung bản dự thảo và khuyến khích người dân nêu ý kiến, nguyện vọng thực tế. Đặc biệt, những người lớn tuổi, người lao động bận rộn hay người ở vùng ven đều được hỗ trợ tận tình.

Bà Nguyễn Thị Hồng (phường 3, TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Tôi bận đi làm cả ngày, nhờ có công an đến tận nhà hướng dẫn nên tôi đã cài đặt ứng dụng và góp ý thành công. Tôi rất hài lòng, cảm thấy mình được tôn trọng và có trách nhiệm với đất nước.”

VNeID – nền tảng số hóa góp phần nâng cao hiệu quả dân chủ

Ứng dụng VNeID không chỉ là công cụ quản lý định danh cá nhân mà còn đang trở thành nền tảng hỗ trợ người dân tham gia sâu rộng vào các hoạt động chính trị - xã hội. Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho phép lấy ý kiến toàn dân về một bản Hiến pháp thông qua ứng dụng công nghệ số, bảo đảm đa dạng cách tiếp cận, tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt phù hợp với điều kiện của người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Lực lượng công an không chỉ hướng dẫn góp ý mà còn hỗ trợ tích hợp các loại giấy tờ cá nhân như giấy phép lái xe, thẻ BHYT, đăng ký xe vào tài khoản VNeID, thúc đẩy quá trình số hóa toàn diện dữ liệu dân cư, hướng đến xây dựng chính phủ số.

Theo chỉ đạo của Công an tỉnh, mục tiêu đến giữa tháng 5/2025 là có ít nhất 90% công dân có tài khoản VNeID mức độ 2 đang hoạt động tham gia góp ý. Song song, việc cấp mới và hỗ trợ hoàn thiện tài khoản VNeID mức 2 cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn đang được triển khai khẩn trương.

Lan tỏa thông tin tích cực, phản bác luận điệu sai trái

Việc góp ý Hiến pháp không chỉ là hoạt động pháp lý đơn thuần, mà còn là dịp để tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, vai trò của Hiến pháp trong đời sống. Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức: phát loa lưu động, truyền thông mạng xã hội, cộng tác với báo chí trung ương và địa phương. Tính đến nay, đã có hơn 600 tin, bài phản ánh tích cực về hoạt động này được đăng tải trên các báo lớn như Nhân Dân, Lao Động, Tuổi Trẻ, Thông tấn xã Việt Nam, VOV...

Thông tin tích cực, hình ảnh đẹp về cán bộ công an tận tình “cầm tay chỉ việc”, sự tin tưởng và hài lòng của người dân khi được hướng dẫn góp ý, đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, đồng thời góp phần phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc về vai trò của lực lượng công an và chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Đồng thuận toàn dân – động lực vững chắc cho sửa đổi Hiến pháp

Hiến pháp là đạo luật gốc của quốc gia, thể hiện ý chí, nguyện vọng và khát vọng phát triển của toàn dân tộc. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp thông qua nền tảng số như VNeID là bước tiến lớn trong thực hành dân chủ, đưa ý chí của nhân dân vào Hiến pháp một cách thực chất, hiện đại và hiệu quả.

Không chỉ là hoạt động pháp lý, đây còn là minh chứng rõ ràng cho tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” mà Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh. Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân bài bản, hiệu quả và đồng thuận cao.

Việc triển khai lấy ý kiến nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID tại Vũng Tàu đã và đang khẳng định hiệu quả mô hình “dân chủ số” – nơi người dân có thể thực hiện quyền hiến định của mình một cách thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và có trách nhiệm. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, lực lượng Công an nhân dân đã và đang thể hiện rõ vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong tiến trình lập hiến.

Sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đã tạo nên một phong trào sôi nổi, lan tỏa tinh thần làm chủ của người dân và củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với kết quả bước đầu khả quan và nỗ lực không ngừng, Vũng Tàu tiếp tục khẳng định là điểm sáng trong công tác xây dựng nhà nước pháp quyền, góp phần bảo đảm Hiến pháp mới sẽ thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.

Bài, ảnh: Kim Nguyễn, BBT