Việc chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tụ tập ăn nhậu xả rác nơi công cộng đang là tình trạng chung trong cả nước, chứ không chỉ riêng tại Vũng Tàu, việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn, ùn tắt giao thông, nguy cơ về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nhất là khi Vũng Tàu hiện đang là Thành phố du lịch sạch ASEAN.
Từ trước đến nay, Vũng Tàu đã có nhiều chiến dịch ra quân, dọn dẹp các chợ tạm, chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để để lập lại trật tự đô thị, tuy nhiên chỉ khi nào có lực lượng làm nhiệm vụ chốt trực, tuần tra, giám sát thì người mua kẻ bán mới chủ động giãn ra, khi vắng bóng của Công an thì mọi việc lại quay về như ban đầu. Nếu như trước đây, khi chưa có dịch bệnh covid diễn ra trên địa bàn Thành phố thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để tận dụng cho việc kinh doanh, buôn bán, đặt các bảng quảng cáo, hoặc có khu thành các chợ tự phát đã diễn ra và nhiều chuyến dịch ra quân để dọn dẹp .Thì nay sau dịch bệnh, các chợ truyền thống hầu như đìu hiu vì rất ít người vào trong các chợ truyền thống để mua bán hàng hóa, tâm lý chung là vào chợ sợ lây nhiễm bệnh, phải quét mã, khai báo y tế… còn việc mua bán trên vỉa hè, lòng đường khi chỉ cần dừng xe ở lề đường là có thể nhanh chóng lựa chọn và mua sắm ngay những nhu yếu phẩm cần thiết, vì vậy việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường, các chợ tự phát dường như trở thành hình ảnh quen thuộc và việc mua bán ở lòng, lề đường cũng dần trở thành một thói quen ăn sâu vào nếp sống sinh hoạt của người dân, cũng giống như việc tụ tập ăn uống cho vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng, nhất là các khu vực dọc bãi biển của Thành phố cũng là do sự nhận thức kém của một bộ phận người dân địa phương và du khách đến Vũng Tàu. Chị Thủy- bán hàng cá tại khu vực đường Nam Kỳ cho biết “nhà có chồng đi biển và một số người hàng xóm làm nghề kéo lưới, vì vậy khi có hàng hóa hoặc mua đi bán lại nên hàng ngày chở xe máy đến để bán cho dân, vì khu vực này dân mua cũng quen, khi có lực lượng đô thị hoặc công an đến thì đưa lên xe để chạy đi chổ khác, nhưng vì gia đình khó khăn, hơn nữa người mua không vào trong chợ nên bán ngoài đường thì khách mua đông hơn, cũng bị bắt vài lần và xử phạt nhưng cũng phải làm vì không biết làm gì khác”
Việc mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn xảy ra thường xuyên trên địa bàn Thành phố
Thực tế, sự việc bị lặp đi lặp lại luôn tái diễn sau nhiều đợt ra quân dẹp bỏ nhưng tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, một phần là do đời sống nên người dân làm liều, khi bị đuổi sẽ di dời từ phường này sang phường khác, sự thiếu ý thức của cả người mua lẫn người bán; bên cạnh đó là chế tài pháp luật vẫn chưa thực sự đủ để răn đe, sự quen biết, sự tín nhiệm, cả sự thân quen, quy định mức xử phạt ở các xã phường thấp nên cũng không xử lý được các phương tiện có động cơ … nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là công tác xử lý và sự phân cấp chưa thật cụ thể, quyết liệt và bên vững nên sự việc tái đi tái lại cụng là điều dễ hiểu. Về phía người dân mua bán thì hầu hết đều nhận thức được hành vi lấn chiếm lòng, lề đường là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình xem thường pháp luật. Dù biết việc kinh doanh, buôn bán liên quan đến mưu sinh của người dân, nhưng vấn nạn này vẫn cần phải sớm khắc phục để trả lại bộ mặt cảnh quan cho đô thị, phát triển một cách bền vững chứ không thể một sớm một chiều.
Pháp luật quy định rõ “Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Luật Giao thông đường bộ cũng quy định không được họp chợ, mua, bán hàng hóa hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo, xây, đặt bục, bệ trái phép... trên đường bộ, nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép, trừ một số trường hợp cho phép… và Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức phạt đối với các hành vi liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như Phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng đối với cá nhân khi thực hiện một trong các hành vi như bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng; Phạt tiền từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng đối với cá nhân với hành vi tổ chức thực hiện một trong các hành vi như sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động sử dụng trái phép đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ; vi phạm để xe lòng đường sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng; vi phạm buôn bán họp chợ trên vỉa hè, lòng đường bị phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng…
Thành phố Vũng Tàu tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức để người dân tiếp cận và hiểu rõ
Thời gian qua, Thành phố Vũng Tàu đã tiếp tục triển khai việc xử lý dứt điểm, triệt để các vi phạm về trật tự đô thị, tuyên truyền đến Nhân dân bằng nhiều hình thức, Thành phố đã triển khai và lập nhiều Đoàn kiểm tra, đặc biệt là lực lượng Công an, trật tự đô thị sẽ xử lý triệt để, dứt điểm bằng nhiều hình thức, Ông Trần Việt Trung- Phó Trưởng Công an Thành phố đã tổ chức quán triệt và yêu cầu các phường, xã phải lập kế hoạch thật cụ thể, thành lập các chốt trực, tổ xử lý theo chuyên đề, xử lý cả người mua và người bán, nhằm tạo hiệu ứng, xử lý vi phạm bằng nhiều hình thức để răn đe, chấn chỉnh, tránh để tình trạng vi phạm tái diễn”. Thành phố sẽ quyết liệt, mạnh tay hơn nữa để thực hiện nhiều giải pháp xóa bỏ việc vi phạm này, cải thiện và xây dựng trật tự đô thị, bảo vệ môi trường bền vững, lâu dài, bảo đảm an toàn cho Nhân dân, đề nghị người dân nâng cao ý thức, đồng lòng để chấp hành tốt các quy định của pháp luật, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm ./.
Bài, ảnh: Việt Bách, BBT