Đại hội XIII của Đảng khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, chỉ ra con đường đi đến đích bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bằng chuyển đổi số, công nghệ số và kinh tế số. Với quyết tâm đến năm 2030 sẽ hoàn thiện chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, các địa phương, đơn vị tại thành phố Vũng Tàu đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các giải pháp công nghệ trên nhiều lĩnh vực nhằm tối ưu hóa các hoạt động quản lý, điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố Vũng Tàu xác định chuyển đổi số là một trong các giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân. Đây được xem là con đường ngắn nhất để thành phố Vũng Tàu phát triển nhanh, ngày càng hiện đại, giàu mạnh và bền vững. Và thành phố Vũng Tàu sẽ quyết tâm xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức là người tiên phong trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Viên chức ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu với giờ học ứng dụng chuyển đổi số - Giờ học tại Trường THCS Võ Trường Toản, TP Vũng Tàu
Năm 2023 này, thành phố Vũng Tàu đã và đang quyết tâm xây dựng hình ảnh về CBCCVC luôn tiên phong, đi đầu, có kiến thức, kỹ năng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Sử dụng thành thạo sản phẩm chính quyền số. Sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết. Nâng cao vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, CBCCVC phải vào cuộc mạnh mẽ, xung kích tạo đột phá trong thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực đơn vị và cá nhân phụ trách. Chủ động nghiên cứu đề xuất các ứng dụng, giải pháp đặc thù tương ứng với công tác quản lý.
Theo báo cáo của UBND thành phố Vũng Tàu thì: Năm 2023, thành phố Vũng Tàu đang tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay, 17/17 UBND phường, xã đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và ban hành kế hoạch thực hiện. 100% văn bản hành chính thông thường (trừ văn bản mật) của các phòng, ban chuyên môn đều được gửi nhận trên môi trường điện tử và được ký số. Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai có hiệu quả hình thức họp trực tuyến giữa UBND thành phố với UBND 17 phường, xã qua ứng dụng jabber; tổ chức tập huấn hướng dẫn cho các phòng, ban đơn vị sử dụng mã QR code và quét mã QR code nhận tài liệu họp trên môi trường mạng cho các buổi họp không giấy…Trong lĩnh vực chuyển đổi số về kinh tế số và xã hội, thành phố đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt tại 4 chợ: chợ Vũng Tàu, chợ phường Thắng Nhất, chợ hải sản Nguyễn Công Trứ và chợ phường 7. Đến nay đã có 168/542 tiểu thương tham gia gắn mã QR. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người dân thành phố thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước và viễn thông đạt hơn 50%.
Trong 05 tháng đầu năm 2023, thành phố Vũng Tàu đã triển khai các giải pháp như: Tập trung vào cơ sở hạ tầng có sẵn, hệ thống thông tin được đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã để triển khai thực hiện có hiệu quả cụ thể như: phần mềm quản lý văn bản; hệ thống quản lý văn bản điện tử Idesk; Cổng dịch vụ công trực tuyến; website thành phố và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Thành phố đã triển khai các Kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu và công tác đôn đốc giám sát triển khai thực hiện; Tập trung công tác tuyên truyền vận động, chủ động làm cầu nối cho các đơn vị doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác ứng dụng các sản phẩm công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa kết quả thực hiện; đồng thời tuyên truyền những chính sách mới trong việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử và khai báo thuế trực tuyến; Thành phố xác định đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển Chính quyền số cũng như kinh tế số, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền vận động thay đổi nhận thức của người dân trong việc hình thành xã hội số. Tập trung các giải pháp vận động các cửa hàng, tạp hóa và các trung tâm thương mại tích cực ứng dụng các sản phẩm công nghệ số tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển xã hội số như: website bán hàng đặt và giao hàng trực tuyến; booking trực tuyến đối với các cơ sở lưu trú địa điểm du lịch có thu phí và thanh toán không dùng tiền mặt.... Xây dựng mô hình cơ quan số trong đó Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan đơn vị là lá cờ đầu tiên phong trong triển khai các giải pháp mà thành phố xây dựng như: có tài khoản dịch vụ công; biết thực hiện TTHC trực tuyến; có kiến thức cơ bản về chuyển đổi số ..... tiên phong trong việc vận động người thân bạn bè sử dụng tìm hiểu các sản phẩm số nhất là sản phẩm của chính quyền địa phương xây dựng.
Với tinh thần, trách nhiệm, thái độ làm việc trong môi trường số CBCCVC tại thành phố Vũng Tàu cần thường xuyên bổ sung, cập nhật, rà soát các văn bản hướng dẫn về chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; đổi mới tư duy phù hợp với chuyển đổi số, thay đổi trong việc tiếp cận công nghệ mới; CBCCVC có trách nhiệm với công việc, đối với công dân, tổ chức, trong công tác phối hợp với cá nhân và tổ chức khác. Giải quyết công việc đúng thời gian được giao. Hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số; Thực hiện nội dung quy định như đối với tổ chức, cá nhân: Quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật, quy tắc lành mạnh, quy tắc an toàn, bảo mật thông tin, quy tắc trách nhiệm; Thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cũng cần thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Những năm qua, khi mà tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội thì Giáo dục là một trong những ngành đã thay đổi trọng tâm trong Chương trình chuyển đổi số. Bên cạnh việc thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong đội ngũ nhân lực CBCCVC ngành giáo dục và đào tạo, thành phố Vũng Tàu còn đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục tại thành phố Vũng Tàu đã có website kết nối trực tiếp với Phòng Giáo dục và Đào tạo. Quá trình giao tiếp, giao dịch điện tử cũng được các trường chủ động triển khai thông qua hình thức trả học phí không dùng tiền mặt, sổ liên lạc điện tử…
Trong lĩnh vực y tế, CBCCVC Trung tâm y tế thành phố Vũng Tàu, bệnh viện Vũng Tàu đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử và 100% trạm y tế xã, phường sử dụng phần mềm dùng chung hỗ trợ cho công tác quản lý khám chữa bệnh, quản lý bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viện Vũng Tàu và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã triển khai dịch vụ tiếp nhận đặt hẹn khám theo giờ từ xa thông qua ứng dụng di động. Với những tín hiệu tích cực trên, ngành y tế thành phố Vũng Tàu đã và đang có sự sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu thì: Để triển khai chuyển đổi số thành công, thành phố Vũng Tàu đặt ra nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng. Trong đó, bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công; hợp tác, tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế - xã hội cả trong và ngoài thành phố để chuyển đổi số; đảm bảo việc chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả các thành phần trong xã hội; có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ giữa các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội để chuyển đổi số mạnh mẽ. Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, đi từ nhỏ đến lớn, đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực.
Có thể nói rằng, cùng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, thành phố Vũng Tàu sẽ quyết tâm có thêm nhiều thành công trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương, qua đó cán đích các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Vũng Tàu lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025). Và thành phố Vũng Tàu sẽ quyết tâm xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức là người tiên phong trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số./.
Tin ảnh: Lê Ngân, BBT