Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025
07:04:00 | 19-05-2022

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50% là mục tiêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị

Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt 1,5 -2,3%; khoảng 1.000 - 1.200 đô thị trên toàn quốc và  kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 85% vào GDP cả nước vào năm 2030 đã được Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/01/2022 được triển khai trên toàn quốc vào sáng ngày 18/5/2022.

Trong hội nghị triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết: Tỉ lệ đô thị hóa đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Tuy nhiên còn 7 nội dung hạn chế để xây dựng đô thị bền vững đó là: Tỉ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra và còn thấp hơn so với tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao; phát triển theo chiều rộng là chủ yếu. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân s và kinh tế khu vực đô thị. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp; Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

Quan điểm của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 06-NQ/TW xác định đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững. Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền. Thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị. Với mục tiêu đề ra là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Cùng với đó có 6 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Tham luận tại hội nghị triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm để thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị tại địa phương, trong đó có những giải pháp tập trung xây dựng đô thị thông minh, xanh và bền vững. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chỉ đạo việc triển khai, thực hiện Nghị quyết phải đồng bộ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với các Chương trình hành động, kế hoạch cụ thể trong đó cần chú trọng đến việc xây dựng, quy hoạch đô thị với tầm nhìn dài hạn, tránh việc chỉnh sửa quy hoạch do lý do này lý do nọ vì mục đích, lợi ích nhỏ làm hỏng đô thị lâu dài.

 

Một phần của thành phố Vũng Tàu nhìn từ Núi Nhỏ

Thành phố Vũng Tàu là đô thị loại I, trên cơ sở Quyết định 586/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035 Thành phố đã và đang khẩn trương hoàn chỉnh để được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, 1/500 để việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố đúng định hướng và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ như Nghị quyết 06-NQ/TW đề ra./.

Bài, ảnh: Thắng Cảnh, BBT