Văn hóa giao thông có thể hiểu là một bộ phận của văn hóa ứng xử nơi công cộng; là tập hợp các hành vi xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Từ lâu, xây dựng văn hóa giao thông được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua tại thành phố Vũng Tàu, nhiều người tham gia giao thông vẫn có những ứng xử thiếu văn hóa, thiếu an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Điều này đòi hỏi các ban, ngành chức năng cần có thêm những giải pháp để tuyên truyền, nâng cao hơn nữa văn hóa người tham gia giao thông.
Như chúng ta đã biết, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng và cuộc sống của biết bao người, để lại nỗi đau thương và những gánh nặng về kinh tế dai dẳng cho rất nhiều gia đình và xã hội. Tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên, hậu quả của nó có thể ghê ghớm hơn bất cứ tai họa nào, thậm chí ngay cả thiên tai, hay dịch bệnh… cũng không nhiều bằng tai nạn giao thông. Đứng trước những thực trạng về tình hình giao thông hiện nay, để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, Nhà nước ta đã ban hành Luật Giao thông và những nghị định về an toàn giao thông một cách khắt khe hơn, xử phạt nặng về kinh tế các trường hợp vi phạm luật giao thông.
(Người dân thành phố Vũng Tàu tham gia giao thông tại ngã tư giao đường Lê Hồng Phong – Nguyền Thái Học)
Theo thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự – Công an thành phố Vũng Tàu thì: Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Vũng Tàu có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền được đầu tư theo chiều sâu, lực lượng chức năng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm, từ đó tai nạn giao thông giảm về số vụ và số người chết. Tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông còn chưa cao nên tình hình tai nạn giao thông vẫn còn nhiều phức tạp. Năm 2022 vừa qua, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã xảy ra 165 vụ tai nạn giao thông (trong đó 92 vụ va chạm, 16 vụ ít nghiêm trọng, 56 vụ nghiêm trọng, 1 vụ rất nghiêm trọng). Hậu quả: làm chết 58 người, bị thương 88 người. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 01 vụ, số người chết tăng 11 người, số người bị thương giảm 17 người. Cũng theo thống kê của Phòng cảnh sát giao thông, 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Điều này cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông được lực lượng chức năng, Công an thành phố Vũng Tàu đã ra quân kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm vi phạm quy định nồng độ cồn, sử dụng trái phép chất ma túy, chạy quá tốc độ và không đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe chở khách. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, đảm bảo hạ tầng thông suốt, an toàn cho người dân tham gia giao thông. Nhằm đảm bảo mục tiêu giảm ít nhất 10% số vụ, số người chết, bị thương do TNGT, từ nay đến cuối năm 2023, ngoài sự quyết liệt của các ngành chức năng, rất cần sự đồng lòng, tuân thủ tuyệt đối pháp luật của người dân, có văn hóa khi tham giao giao thông... Khi mọi người cùng vào cuộc, chung tay, tiếp sức, chúng ta sẽ thành công trong việc đẩy lùi TNGT, đem đến bình yên, hạnh phúc cho mỗi gia đình và sự phát triển của xã hội.
Có thể thấy, tham gia giao thông là quyền và nhu cầu chính đáng của mỗi người theo luật định, giao thông luôn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, tai nạn giao thông giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai, nó có tác động xấu đến tương lai, số phận của gia đình trong xã hội. Chính vì vậy, vì hạnh phúc, vì cuộc sống bình yên của chính bản thân mình, của gia đình và cộng đồng, xã hội hãy phát huy tinh thần tích cực, tự giác của mỗi người và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung tay hành động và hành động quyết liệt hơn nữa góp phần kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông bằng các việc làm thiết thực. Luôn nhắc nhở bản thân và giáo dục động viên mọi người trong gia đình, trong tổ chức, trong địa bàn dân cư nêu cao tinh thần sống và làm việc theo pháp luật. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi địa bàn dân cư tự nguyện đăng ký với chính quyền không có người trong gia đình vi phạm trật tự an toàn giao thông, xem đây là một trong những nội dung quan trọng thực hiện “Văn hoá giao thông” hằng năm.
Theo Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông, trật tự – Công an thành phố Vũng Tàu thì: Để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa của người dân thành phố Vũng Tàu khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Người dân phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ.
Do vậy, ngay từ hôm nay, khi bước chân ra khỏi nhà, mỗi người dân tại thành phố Vũng Tàu hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông… Qua đó cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện qua việc không chen lấn, việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, như cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; cùng với cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; thấy các sự cố về đường sá, phương tiện, phải kịp thời báo hiệu, thông báo cho nơi liên quan, để kịp thời ngăn chặn xử lý.
Trong thời gian tới, để xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, các cơ quan chức năng tại thành phố Vũng Tàu sẽ tiến hành tuyên truyền về luật giao thông trong khu dân cư để người dân nắm được, nhằm xây dựng văn hóa giao thông cho mỗi người. Cùng với đó, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự – Công an thành phố Vũng Tàu sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông; triển khai hiệu quả các mô hình “Đội tuyên truyền an toàn giao thông trong các lớp học” và mô hình “Cổng trường xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông”. Bên cạnh đó, gắn với đặc thù của mỗi địa phương, đơn vị, của từng nhóm đối tượng là thanh niên, công nhân, người lao động, công chức tổ chức phổ biến, xây dựng văn hóa giao thông… Từ đó, có cách thức xây dựng chương trình, tuyên truyền phổ biến văn hóa giao thông phù hợp với điều kiện cụ thể về nhận thức, công việc, thời gian của từng đối tượng, đưa công tác tuyên truyền văn hóa giao thông đi vào thực chất. Và để xây dựng văn hóa giao thông thì con người vẫn là yếu tố quyết định. /.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT