Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Nâng tầm nông sản địa phương
11:56:00 | 19-03-2023

Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình OCOP là được xác định các giải pháp để phát triển kinh tế nông thôn mới theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm đặc trưng “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.

Sản phẩm OCOP được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng theo chương trình OCOP của Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ để đạt tiêu chí chung về Sản phẩm đặc sản và phục vụ thúc đẩy nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đối với Nhà nước đóng vai trò nhà lập pháp, kiến tạo, ban hành chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng…cho các Chủ thể triển khai chương trình OCOP đạt hiệu quả.

Socola - Một trong các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Vũng Tàu

Về quan điểm: Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn.

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP, trong đó: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ; tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ: tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP.

Về mục tiêu chung chương trình OCOP: Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên.

Sản phẩm của Hộ kinh doanh Mỹ nghệ Thanh Thêm, số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu

Mục tiêu cụ thể chương trình OCOP: Tới năm 2025, đạt ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Sản phẩm OCOP ít nất 50% được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.  Tỉ lệ từ 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Từ 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; Từ 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại,phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/xã một sản phẩm được tổ chức ít nhất 1 lần/năm.

Sản phẩm của Công ty Cổ phần K Products, số 772/9 đường 30/4, phường 11, thành phố Vũng Tàu đang hoàn thiện thủ tục để đạt chứng nhận OCOP

Về phạm vi thực hiện: Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn nông thôn cả nước. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào điều kiện thực tế chủ động tổ chức triển khai phù hợp ở khu vực đô thị và được triển khai thực hiện đến hết năm 2025.

Chủ thể thực hiện: Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể, bao gồm: Các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.

Sản phẩm: Gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.

Sản phẩm OCOP theo chương trình được phân theo 6 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm, gồm: Nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác. Nhóm đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn. Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm: Sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng. Nhóm sinh vật cảnh, gồm: Hoa, cây cảnh, động vật cảnh. Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Các đơn vị cần phải quan tâm đến việc cấp chứng nhận OCOP do lợi ích Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP: Các cơ sở sản xuất còn được hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, đặc biệt là tìm kiếm các kênh phân phối, kết nối, mở rộng việc tiêu thụ sản phẩm. Có sản phẩm được hỗ trợ đưa lên kệ hàng tiêu thụ tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Sản phẩm của Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Trí Hải (Tri Hai Produce - Trading - Services Joint Stock Company), số 103 Phạm Hữu Chí, KP. Long Hiệp, TT. Long Điền, H. Long Điền, tỉnh BRVT đã được chứng nhận 4 sao.

Các bước tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP Cơ bản như sau: Tiếp nhận hồ sơ sản phẩm, dịch vụ du lịch; Tổ chức Hội đồng đánh giá chuyên ngành; Tổ chức họp Hội đồng OCOP cấp quốc gia; Xếp hạng và công bố kết quả đánh giá.

Xác định được các mục tiêu trên, tại thành phố Vũng Tàu, UBND thành phố đã triển khai nhiều nội dung khác nhau nhằm đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; tập trung phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm ngành nghề truyền thống và dịch vụ du lịch cộng đồng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự năng động, sáng tạo, chủ động tham gia trực tiếp của chủ thể sản xuất để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết: Để thực hiện tốt các nội dung trên thì cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể như: Công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn: Hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình OCOP. Chuẩn bị quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát; Tăng cường chuy n đổi số trong Chương trình OCOP; Quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; Tăng cường bảo hộ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường; Thí điểm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Sản phẩm từ lục bình của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu cũng là một đặc trưng của dòng sản phẩm nông nghiệp Vũng Tàu

Bà Trần Thị Thu Hường - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vũng Tàu cho biết: “Để triển khai chương trình OCOP trong thời gian sắp tới, thành phố Vũng Tàu tập trung phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch. Hiện thành phố đã triển khai kết nối các ngành, lĩnh vực cung ứng hỗ trợ tập trung phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Đồng thời tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”./.

Bài, ảnh: Tấn Lâm, BBT