Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền, mang đậm bản sắc dân tộc, là một ngày lễ quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của người Việt. Ngày Tết - một khoảnh khắc đặc biệt đánh dấu sự kết thúc của một năm cũ và mở đầu cho một chuỗi ngày mới tràn đầy hy vọng. Trong tâm hồn người Việt, tết không chỉ là dịp lễ truyền thống mà còn là lúc chúng ta tìm về nguồn cội với ý nghĩa sâu sắc. Việc giữ gìn và bảo tồn những phong tục tốt đẹp trong ngày Tết không chỉ là nhiệm vụ của mỗi gia đình mà còn là vinh dự ý nghĩa của cả cộng đồng, vì nó mang đến nhiều ý nghĩa quan trọng cho tinh thần và cuộc sống hàng ngày.
Trong xã hội hiện đại 4.0 ngày nay, nơi mà cuộc sống diễn ra với tốc độ nhanh chóng và sự thay đổi không ngừng, việc giữ gìn phong tục tốt đẹp trong ngày Tết trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó không chỉ là sự duy trì của truyền thống mà còn là cách để mọi người kết nối với quá khứ, học hỏi và giữ lại những giá trị quý báu mà tổ tiên để lại. Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, là tiết lễ đầu tiên trong năm, mở đầu cho một năm mới với bao niềm tin và hy vọng. Sau một năm biết bao bộn bề lo toan cuộc sống, Tết là dịp để mọi người nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và Tết là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, những phong tục cổ truyền Tết Nguyên đán của người Việt vẫn giữ được những nét bản sắc dân tộc.
Hình minh hoạ
Với mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân thành phố Vũng Tàu nói riêng thì: Một trong những ý nghĩa lớn nhất của việc giữ gìn phong tục tốt đẹp trong ngày Tết là sự gắn kết gia đình. Tết không chỉ là dịp để mọi người tạm nghỉ ngơi sau một năm làm việc, mà còn là cơ hội để gia đình quây quần, sum họp và tận hưởng khoảnh khắc ấm áp bên nhau. Các phong tục như việc cúng tổ tiên, thăm viếng bà con, chúc tết lẫn nhau tạo ra không khí hạnh phúc, tình thân mật và làm cho những mối quan hệ gia đình trở nên bền vững hơn. Bằng cách này, việc giữ gìn phong tục truyền thống trong ngày Tết không chỉ là sự bảo tồn mà còn là sức mạnh thúc đẩy sự gắn kết trong gia đình.
Để giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp Tết cổ truyền dân tộc, hiện nay nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị, gia đình tại thành phố Vũng Tàu đã tổ chức các hoạt động văn hoá sôi nổi, đa dạng hình thức, như: gói bánh chưng, bánh tét, thịt kho, chưng mâm ngũ quả, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ; con cháu tập trung quây quần bên ông bà, cha mẹ và người thân gia đình; tổ chức đi thăm hỏi, chúc nhau những lời tốt đẹp, cầu mong vạn sự bình an, năm mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Tết Nguyên đán của người Việt diễn ra vào mùa xuân - một trong những mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự sinh sôi, nảy nở; đất trời, lòng người giao hoà. Đây cũng là mùa ghi dấu những sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại liên quan đến vận mệnh quốc gia và bước đường phát triển của đất nước. Trong tâm thức cộng đồng, Tết cổ truyền chứa đựng những thông điệp nhân văn mà sức lan toả của hình ảnh, không khí, hương vị Tết. Với người Việt, Tết vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Gần gũi vì Tết là một sinh hoạt văn hóa mỗi năm một lần, gắn liền với những bước đường đời của con người ngay từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tết cũng là quãng thời gian mà mỗi cá nhân được bồi đắp thêm những tri thức, kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống lịch sử - văn hóa, những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thông qua những trải nghiệm, thực hành văn hóa cùng ông bà, cha mẹ, người thân. Tết cũng là dịp mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; nạp thêm cho mình những nguồn năng lượng mới để cống hiến và yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.
Những ngày giáp Tết, người Việt có phong tục quét dọn nhà cửa sạch sẽ, mua sắm đồ dùng, quần áo mới. Người lớn cũng dặn dò con cháu, trong giây phút chuyển giao sẽ không cãi cọ, không trách phạt hay mắc lỗi. Những người có hiềm khích với nhau cũng xí xóa hết, giây phút năm mới chỉ chúc tụng nhau những gì tốt lành và may mắn. Tính chất thiêng liêng của Tết cổ truyền thể hiện rõ trong những nghi thức tâm linh mà người Việt sửa soạn, cử hành từ Tết ông Công ông Táo, đến lễ cúng tất niên, đêm giao thừa, lễ tân niên trong phạm vi gia đình, dòng họ đến những nghi thức tế lễ trời đất, thánh thần, biết ơn Thành hoàng làng và các vị anh hùng có công với dân với nước ở các đình, đền, chùa, am miếu.
Xuân mới Ất tỵ 2025 đang gõ cửa từng người, từng nhà. Giữ gìn giá trị văn hoá Tết cổ truyền dân tộc là trách nhiệm không chỉ riêng ai mà là của toàn xã hội. Mỗi công dân Việt Nam cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đoàn kết cùng hành động để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Tết cổ truyền dân tộc, luôn hướng về cội nguồn dân tộc với lòng tự hào, tôn kính; tăng thêm nhiều suy nghĩ tốt, cách làm hay, bảo vệ lẽ phải, yêu thương giúp đỡ đoàn kết lẫn nhau; trân quý thật nhiều những thành quả của ông cha để lại và quyết tâm hơn nữa trong việc ngăn ngừa, loại bỏ những suy nghĩ, hành động sai trái, lệch lạc phương hại đến giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc… Có như vậy, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chúng ta mới góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc một cách thiết thực nhất./.
Bài: Bằng Lăng, BBT