Thực hiện Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, thành phố Vũng Tàu cùng với huyện, thành phố của tỉnh triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các hoạt động trong đó trọng tâm là quản lý việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá.
Thành phố Vũng Tàu có bờ biển dài 42km, với quy mô đội tàu trên 2000 chiếc, tổng công suất đạt trên 500.000 CV. Hiện nay tàu cá của thành phố có mặt ở khắp các ngư trường Biển Đông. Hoạt động khai thác từ vùng gần bờ đến vùng khơi, vùng ráp gianh… Vì vậy việc vận động các tàu cá lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình nhằm quản lý hoạt động của tàu cá là việc hết sức cần thiết. Đồng thời theo quy định tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên được cấp Giấy phép khai thác thủy sản thì phải có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá theo quy định của Chính phủ.
Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên được cấp Giấy phép khai thác thủy sản thì phải có thiết bị giám sát hành trình theo quy định
Để thực hiện nội dung trên, Thành phố đã tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục đến bà con ngư dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức kết hợp với vận động tại địa phương. Riêng trong năm 2022 và quý I/2023, các đơn vị của Thành phố đã phát thành lưu động trên 300 giờ, thực hiện 200m khẩu hiệu cùng 40 tin bài, phản ánh phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đồng thời các cán bộ địa phương đã trực tiếp xuống các phường, xã để tuyên truyền các quy định. Qua công tác tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền cùng các lực lượng chức năng, bà con ngư dân đã có nhận thức tốt về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, giúp cho công tác quản lý nghề cá được thuận lợi; tạo điều kiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đến nay, toàn thành phố đã có hơn 98% tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình. Số tàu còn lại chưa lắp thiết bị là các tàu nằm bờ không đưa vào khai thác hoặc tàu đã bán sang các địa phương khác. Theo anh Nguyễn Bình An, ngư dân phường 2, thành phố Vũng Tàu chia sẻ: “Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp mình biết được vùng biển đang đánh bắt để không vi phạm vùng biển nước ngoài. Khi có vấn đề gì trục trặc trên biển thì có thể điện báo ngay cho các cơ quan chức năng đến hỗ trợ”.
Các đơn vị, địa phương của Thành phố thường xuyên kết nối với ngư dân để thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền các quy định về khai thác thủy hải sản
Thời gian gần đây, sau khi xảy ra vụ việc 15 tàu cá bị các lực lượng chức năng phát hiện ngư dân tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình gửi cho các tàu cá khác, các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới các chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn về nội dung tuyệt đối không được tháo gửi thiết bị giám sát hành trình tàu cá để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; tuyệt đối không được nhận gửi thiết bị giám sát hành trình, hỗ trợ các tàu cá khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Các tổ chức quản lý cảng cá có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình khi tàu cá cập, rời cảng
Song song với công tác tuyên truyền, Thành phố chỉ đạo các đơn vị rà soát toàn bộ khối tàu từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng không duy trì hoạt động, tránh tình trạng các tàu cá này tham gia khai thác thủy sản; yêu cầu các thuyền trưởng kiểm tra, kết nối, bật thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển, đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập. Trường hợp xác định mất kết nối do hỏng máy hoặc chưa rõ nguyên nhân khi tàu cá hoạt động trên biển thì yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng phải định kỳ báo cáo vị trí tàu cá 06 giờ/lần bằng các thiết bị thông tin liên lạc khác về Trung tâm giám sát tàu cá của Tổng cục thủy sản và trạm bờ của Chi cục Thủy sản để theo dõi và cập nhật thông tin từ các đơn vị liên quan và phải đưa tàu cá về cảng để sửa chữa thiết bị trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình bị hỏng. Trường hợp không báo cáo bằng các thiết bị thông tin liên lạc khác, yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng cho tàu cá về cảng ngay để xử lý theo quy định.
Đối với vụ việc 15 tàu cá của 05 chủ tàu thường trú trên địa bàn thành phố Vũng Tàu thực hiện hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình gửi trên tàu cá khác, các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức làm việc với các chủ tàu cá để nắm nguyên nhân, tuyên truyền, ký cam kết yêu cầu không tái diễn lại hành vi trên, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình bằng hình thức phạt tiền là 727.500.000 đồng đồng thời tước bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá trong thời hạn 3 – 6 tháng với các thuyền trưởng các tàu vi phạm.
Thời gian tới, để ngăn chặn hiệu quả, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác IUU ở nước ngoài, các lực lượng sẽ phối hợp thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về các hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản và mức xử phạt theo quy định đến với ngư dân, đặc biệt là các hành vi phổ biến về vi phạm trong khai thác IUU hiện nay như: Vượt ranh giới; tổ chức móc nối tàu cá ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; cố ý tự tháo lắp thiết bị giám sát hành trình khi đang khai thác trên biển gửi sang tàu khác; không duy trì giám sát hành trình theo quy định.
Việc hoàn thành 100% việc lắp đặt và duy trì thiết bị giám sát hành trình và giám sát 24/7 qua hệ thống giám sát tàu cá là một trong những giải pháp quan trọng để gỡ “thẻ vàng" IUU, góp phần quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Phan Thảo, BBT