Quản lý chất thải rắn sinh hoạt là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả sẽ thiết thực góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn. Những năm qua, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng về mức sống đã làm gia tăng chất thải rắn phát sinh cả về số lượng và thành phần tính chất, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt. Do vậy, công tác quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã và đang được các cấp, các ngành nỗ lực tập trung triển khai thực hiện.
Quản lý chất thải rắn trong sinh hoạt là một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với 6 Điều (từ Điều 75 – 80) quy định cụ thể các nội dung: Phân loại, lưu giữ, chuyển giao; Điểm tập kết, trạm trung chuyển; Thu gom, vận chuyển; Xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp nhằm thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn. Đồng thời, quy định trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Phường 10 tuyên truyền cho người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Thời gian qua, đảng bộ và chính quyền thành phố Vũng Tàu đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu chất thải nhựa. Thúc đẩy, nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, quản lý, thu hồi tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách có hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải phù hợp với công nghệ, thực tế địa phương; hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Huy động cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố và cấp phường, xã tổ chức thực hiện thành công công tác chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố Vũng Tàu đã phát hiện, lập hồ sơ, xử phạt 35 trường hợp vi phạm hành chính về đổ rác không đúng nơi quy định, tổng số tiền phạt 44 triệu đồng. Ngoài ra, có 05 trường hợp vi phạm được các Phường 1, 8, 10, 11, ThắngTam phát hiện qua camera giám sát, các phường đã có các văn bản thông báo, đề nghị Công an thành phố, người dân phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến đối tượng và phương tiện vi phạm; Thu giá xử lý chất thải rắn đối với các tổ chức kinh tế trên địa bàn thành phố Vũng Tàu; đã ký hợp đồng và đến thời điểm hiện nay đã thu 1.803.660.803 đồng. Về kiểm tra công tác bảo vệ môi trường thì trong 06 tháng đầu năm 2024, Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của thành phố đã kiểm tra 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên đại bàn, đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt 03 trường hợp, với tổng số tiền 156,2 triệu đồng.
Do trên địa bàn thành phố Vũng Tàu hiện nay chưa bố trí vị trí tập kết chất thải rắn xây dựng nên phần lớn loại chất thải này khi có phát sinh vẫn được các nhà thầu xây dựng thuê các đơn vị tư nhân thu gom và vận chuyển đi. Các đơn vị vận chuyển này sau đó sẽ vận chuyển chất thải rắn xây dựng tới điểm san lấp (nếu có) hoặc đổ không đúng nơi quy định tại các khu đất trống trên các tuyến đường vắng người. Thực tế hiện nay, tại các công trường xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng nhà ở tư nhân, chất thải rắn xây dựng sau khi phá dỡ thu gom đa số chưa qua phân loại, xử lý còn lẫn các loại rác thải sinh hoạt được các đơn vị sử dụng san lấp dẫn đến không đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố Vũng Tàu đã tập trung triển khai các giải pháp tổng hợp quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; rà soát các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trên địa bàn làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách di dời; xử lý ô nhiễm môi trường hồ Bàu Sen và tuyến thoát nước chính của thành phố. Trong 06 tháng đầu năm 2024, thành phố Vũng Tàu đã thu 86.427.201 đồng phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp và 13.681.631 đồng giá xử lý chất thải sinh hoạt. Về quản lý chất thải rắn, thành phố đã triển khai Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị thành phố (02 địa phương làm điểm Phường 7 và Thắng Tam), 112 Trường học, 101 trung tâm thương mại, siêu, cửa hàng tiện,... và được các đơn vị, người dân nhiệt tình hưởng ứng. Trung bình mỗi tháng Phường 7 thu được khoảng 3.150 kg rác thải có khả năng tái chế (lon nhôm, giấy, đồ nhựa...), số tiền bán chất thải tái chế bình quân mỗi tháng đạt 1,8 triệu đồng; đề xuất các giải pháp cải tạo các Trạm trung chuyển rác trên địa bàn. Kết quả bước đầu kế hoạch, đa số người dân tham gia hưởng ứng tích cực, nhận thức của người dân được nâng lên khi tiếp cận kiến thức tuyên truyền; một lượng lớn chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng đã được thu gom, bán, số tiền thu được dùng để hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; kết nối các tổ chức, cá nhân yêu môi trường ra quân dọn rác hàng tuần. Phối hợp lập hồ sơ xử lý gần 40 trường hợp, với số tiền phạt 42,5 triệu đồng, phát hành thông báo truy tìm 05 phương tiện, cá nhân đổ rác không đúng nơi quy định. Tổ chức trao thưởng cho 17 cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường thành phố.
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải thực phẩm nếu không được phân loại thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Như vậy, những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định.
Theo các cơ quan chức năng của thành phố Vũng Tàu thì hiện nay, lượng chất thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố Vũng Tàu tương đối lớn, nhưng thành phố lại chưa hoàn thành dự án Bãi tập kết tạm chất thải xây dựng trên địa bàn (dự kiến xây dựng tại Phường 12) ít nhiều gây một số hệ lụy đối với mỹ quan đô thị, môi trường thành phố và đồng thời gây lãng phí nguồn vật liệu có thể tái sử dụng trong chất thải xây dựng. Tình trạng đổ chất thải xây dựng tại các bãi đất trống và các tuyến đường ít người qua lại diễn ra khá phổ biến trên địa bàn; Một số hộ dân và doanh nghiệp tận dụng nguồn vật liệu này một cách tự phát (tập kết trong khu dân cư, các thửa đất trống) gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực tập kết. Ngày 06/6/2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi thảo luận, trao đổi với Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW), Chương trình kinh tế tuần hoàn và nhựa (UNDP) và Trung tâm Công nghệ và dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường (CECT) về dự án của AEPW với UBND thành phố Vũng Tàu để xuất phát triển trạm thu hồi vật liệu (MRF). Dự kiến triển khai thực hiện nghiên cứu khả thi của dự án sẽ diễn ra từ tháng 6/2024 đến tháng 2 hoặc tháng 3/2025.
Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tại thành phố Vũng Tàu cần tiếp tục tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn năm 2024 trên địa bàn với các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy. Thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải phù hợp với công nghệ, thực tế địa phương; hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Tăng cường thời lượng đưa tin bài về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên các phương tiện truyền thông đại chúng phù hợp. Tuyên truyền giới thiệu về Chương trình Ngày hội trên mạng xã hội, trên Trang thông tin điện tử và hệ thống Zalo nhằm quảng bá, giới thiệu về Chương trình Ngày hội nhằm vận động người dân tham gia hưởng ứng Chương trình Ngày hội; Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Các lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm tạo nền tảng triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt được thuận lợi; Cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Các mô hình điểm về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Các biện pháp để giảm thiểu chất lượng thải rắn sinh hoạt đồng thời vận động công chức, người lao động của cơ quan thực hiện phân loại rác tại nơi cư trú./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT