Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Vũng Tàu, tính đến hết ngày 04/9/2024, ghi nhận 15 trường hợp được chẩn đoán là bệnh Sởi, trong đó có 07 ca chẩn đoán Sởi bằng kết quả xét nghiệm, 08 ca Sởi lâm sàng. Trong số này, có 03 trẻ dưới 9 tháng tuổi – chưa đến độ tuổi tiêm phòng bệnh Sởi, có 08 trường hợp không ghi nhận được tiêm vaccine sởi dù đủ điều kiện.
Trước diễn biến có chiều hướng phức tạp của bệnh Sởi, thành phố đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình hình bệnh Sởi trên địa bàn thành phố. Các ổ dịch được xử lý triệt để nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan; hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh sởi được đẩy mạnh qua mạng lưới y tế của thành phố. Trạm Y tế các phường, xã rà soát số lượng trẻ trong độ tuổi, vận động phụ huynh đưa trẻ chưa tiêm sởi khẩn trương tiêm ngừa bệnh sởi.
Chung tay phòng chống bệnh Sởi, hạn chế thấp nhất rủi ro do bệnh Sởi gây ra, Thành phố đề nghị tất cả người dân quan tâm và thực hiện.
*Tại cộng đồng:
- Các hộ gia đình rà soát kiểm tra xem con em mình trong tuổi được tiêm chủng thì báo ngay cho Trạm Y tế phường, xã để được tư vấn và tiêm chủng ngay: trẻ đủ 9 tháng tuổi được tiêm Sởi mũi 1 và tiêm nhắc lại Sởi mũi 2 + Rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Nếu các trẻ đang tiêm chủng tại các phòng tiêm dịch vụ thì đề xuất cơ sở tiêm chủng dịch vụ cho con em mình tiêm chủng vắc xin Sởi đơn liều hoặc vắc xin phối hợp có Sởi.
- Thường xuyên phòng bệnh: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
- Nếu phát hiện trong gia đình, các gia đình xung quang có trường hợp sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban thì báo ngay cho Trạm Y tế phường, xã để được tư vấn và hướng dẫn điều trị.
- Không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc Sởi.
*Tại trường học:
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính cho ánh sáng chiếu vào và đảm bảo thông khí cho phòng học; thực hiện vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng, sàn nhà, tay nắm cửa v.v… bằng xà phòng và các chất tẩy rửa thông thường hoặc bằng dung dịch chứa clor.
- Tổ chức đón trẻ tại cổng trường, cửa lớp, phát hiện sớm những trẻ có triệu chứng nghi ngờ thì vận động phụ huynh đưa trẻ về và đi khám bệnh.
- Thông báo ngay cho phụ huynh, khi phát hiện trẻ có triệu chứng sốt thì cho trẻ nghỉ học và đi khám bệnh.
- Giáo viên và cán bộ nhân viên trong trường có triệu chứng nghi ngờ không đến trường đồng thời khai báo ngay với ban giám hiệu hoặc người lãnh đạo.
- Rà soát trẻ chưa tiêm chủng ngừa vắc xin Sởi thì báo ngay cho Trạm Y tế phường, xã (địa bàn mà trường đang đóng chân.)
*Tại các cơ quan xí nghiệp:
Cần truyền thông về sự nguy hiểm và cách phòng chống bệnh sởi trong đơn vị:
- Thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân
- Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi nếu chưa tiêm.
- Theo dõi sức khoẻ CBCNV trong đơn vị phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh.
- Khi có triệu chứng sốt kèm theo phát ban, ho khan, chảy nước mắt, mũi, phát ban… cần nghỉ làm và đi khám bệnh đồng thời báo cho y tế cơ quan để phản hồi cho y tế cơ sở (các Trạm y tế đóng chân trên địa bàn).
- Phối hợp với Trạm Y tế xử lý ổ dịch (nếu có) tại đơn vị không để lây lan trong đơn vị.
Nên nhớ:
- Người bệnh được chỉ định cách ly: Nếu trường hợp nhẹ cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người), nếu trường hợp nặng hoặc có bệnh lý nền phải đưa vào cách ly tại cơ sở y tế.
Thời gian cách ly đủ 7 ngày kể từ ngày phát ban.
Theo dõi người tiếp xúc hàng ngày đến hết 21 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng với người bệnh.
- Người lớn thường chủ quan với bệnh sởi do quan niệm bệnh sởi chỉ có thể xuất hiện ở trẻ em; Tuy nhiên, bệnh sởi ở người lớn cũng rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu như biến chứng xảy ra. Khác với trẻ nhỏ, bệnh sởi ở người lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, liệt, động kinh … Tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân bị biến chứng là khá cao, lên tới 15%.
- Khi mắc bệnh sởi, không có những biện pháp cách ly, các chế độ chăm sóc dinh dưỡng cũng như vệ sinh tốt; Đây là nguyên nhân khiến bệnh dễ dàng lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề. Vì vậy khi mắc sởi, chúng ta nên đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị đồng thời tránh lây nhiễm cho người khác./.
Bài: Thu Hiền, BBT